2006-08-23 18:26:02

Can đảm tươi vui hy vọng và tin tưởng giữa mọi khó khăn thử thách của cuộc đời



Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã ưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 23-8-2006.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha tiếp tục trình bầy các bút tích của thánh Gioan Tông Đồ, lần này là sách Khải Huyền. Đại ý Đức Thánh Cha nói: Chúng ta trở lại với gương mặt của thánh Gioan Tông Đồ, lần này để quan sát Người được thị kiến của sách Khải Huyền. Và chúng ta phải đưa ra nhận xét này: đó là trong khi Phúc Âm cũng như các thư được gán cho thánh nhân không hề mang tên của người, thì sách Khải Huyền nhắc tới tên Gioan 4 lần (x. 1,1.4.9; 22,8).
Hiển nhiên là tác gỉa, một đàng không có lý do gì để không nhắc đến tên mình, đàng khác ông biết chắc rằng các độc giả biết nhận diện ông một cách chính xác. Ngoài ra chúng ta cũng biết là vào thế kỷ thứ III, các học giả đã thảo luận về căn cước đích thật của Gioan trong sách Khải Huyền. Chúng ta cũng có thể gọi ông là Người được thị kiến của đảo Patmos”, vì gương mặt của ông gắn liền với đảo này trong biển Egeo, nơi ông bị đi đầy vì ”lời Chúa và vì chứng tá của Đức Giêsu” (Kh 1,9). Chính tại Patmos ông được “xuất thần trong ngày của Chúa” (Kh 1,10) và trông thấy các thị kiến lớn lao cũng như nghe được các sứ điệp ngoại thường ảnh hưởng không ít trên lịch sử Giáo Hội và toàn nền văn hóa tây phương. Chẳng hạn tựa đề của sách đã được đưa vào trong ngôn ngữ thường ngày của chúng ta và từ khải huyền gọi lên một cách không chính xác tư tưởng của một tai ương sắp đến.

Đức Thánh Cha xác định khung cảnh nảy sinh của sách Khải huyền như sau: ”Sách được hiểu trong bối cảnh kinh nghiệm thê thảm của 7 Giáo đoàn Á châu là Epheso, Smirne, Pergamo, Tiatira, Sardi, Filadelfia và Laodicéa, là các giáo đoàn vào cuối thế kỷ thứ I đã phải đương đầu với các khó khăn không nhỏ trong cuộc sống chứng tá cho Chúa Kitô. Thánh Gioan nói với các giáo đoàn này và cho thấy sự nhậy cảm mục vụ sinh động của người đối với các Kitô hữu bị bách hại. Ngài khuyến khích họ kiên vững trong lòng tin và đừng rập theo thế gian này. Mục đích nhắm tới đó là đi từ cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, vén mở cho họ thấy ý nghĩa của lịch sử con người.

Thị kiến nền tảng thứ nhất liên quan tới Chiên Con, bị sát tế nhưng vẫn đứng thẳng (x. Kh 5.6) giữa ngai, nơi chính Thiên Chúa ngự. Qua đó thánh Gioan muốn nói với chúng ta hai điều: thứ nhầt Đức Giêsu dù đã bị giết với một hành động bạo lực, thay vì lăn xuống đất thì trái lại, vẫn đứng vững trên đôi chân của mình, bởi vì với sự phục sinh Người đã vinh viễn chiến thắng cái chết; thứ hai chính Chúa Giêsu vì đã chết và đã phục sinh nên giờ đây tham dự tràn đầy vào vương quyền cưu độ của Thiên Chúa Cha. Một trong những thị kiến chính của sách Khải Huyền có đối tượng là Chiên Con đang mở một cuốn sách bị đóng bởi 7 dấu ấn, mà không có thể gỡ ra được, khiến cho Gioan bật khóc vì không tìm thấy ai có thể mở được cuốn sách và đọc được nó (Kn 5,4). Hẳn tiếng khóc đó diễn tả sự bối rối của các giáo đoàn Á châu đối với sự thinh lặng của Thiên Chúa trước các bách hại phải chịu trong lúc đó”.

Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa sự bối rối đó như sau: ”Sự bối rối đó có thể phản ánh sự bối rối của chúng ta trước các khó khăn nghiêm trọng, trước các hiểu lầm và thù nghịch mà ngày nay Giáo Hội phải chịu tại nhiều nơi trên thế giới. Chúng là những khổ đau mà chắc chắn Giáo Hội không đáng phải chịu, cũng như chính Chúa Giêsu không đáng phải chịu cực hình. Các khổ đau đó vừa vén mở cho thấy cái gian ác của con người, khi nó để cho mình nghe theo các xúi bẩy của sự dữ, vừa cho thấy sự hướng dẫn cao vời của Thiên Chúa đối với các biến cố. Đã chỉ có mình Chiên Con bị sát tế là mở được cuốn sách có đấu ấn và vén mở nội dung của nó. Chỉ có Chiên Con có thể rút tỉa ra các chỉ dẫn và các giáo huấn cho cuộc sống của Kitô hữu. Chiến thắng của Người trên cái chết báo cho tín hữu biết và bảo đảm với họ rằng chắc chắn họ cũng sẽ được hưởng như vậy. Ngôn ngữ biểu tượng thánh Gioan dùng nhắm diễn tả sự ủi an đó.

Trong các thị kiến của sách Khải Huyền cũng có các thị kiến rất ý nghĩa: đó là thị kiến Người Phụ Nữ sinh Con trai và thị kiến Con Rồng từ trời bị tống xuống đất. Tuy hoạt động bách hại Người Phụ Nữ và các con cái của Bà, nhưng Con Rồng đã bị chiến thắng tận gốc rễ và sự thất bại của nó sẽ tỏ hiện không sai chạy. Đó là lý do tại sao các chứng nhân tử đạo lại vui hát rằng: ”Thiên Chúa chúng ta giờ đây ban ơn cứu độ, gìờ đây bểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta ngày đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa nay bị tống ra ngpài” (Kh 12,10). Như chúng ta thấy đó, thánh Gioan muốn thông truyền cho tín hữu thái độ tin tưởng can đảm. Với các hình ảnh mạnh mẽ đôi khi khó hiểu, thánh nhân hẳn không có ý đề nghị các bí ẩn để giải quyết, nhưng gợi lên con đường sống hy vọng chắc chắn, thanh thản tín thác nơi Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô. Như thế người được thị kiến của đảo Patmos vén mở cho các Kitô hữu thấy một chân trời rạng rỡ, đạt tuyệt đỉnh với thị kiến Giêrusalem thiên quốc, nơi sẽ không còn cái chết, tang tóc, kêu than, mệt nhọc khổ đau nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4).

Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ: ”Vì lý do đó, tuy thường xuyên nói đến những khổ đau và khốn khó, là mặt tối của thực tại, sách Khải Huyền cũng có các bài ca chúc tụng, diễn tả mặt sáng của lịch sử. Chẳng hạn như đám đông mênh mông lớn tiếng hát: ”Halleluia Giavê là Thiên Chúa toàn năng đã lên ngội hiển trị. Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh, vì nay đã đến ngày cử hành hôn lễ Chiên Con, và Hiền Thê của Người đã điểm trang sẵn sàng” (Kh 19,6-7).
Chúng ta đang đứng trước một kiểu mâu thuẫn kitô theo đó khổ đau không bao giờ được coi như là tiếng nói cuối cùng, nhưng được coi như điểm chuyển tiếp hướng về niềm hạnh phúc và hơn thế nữa, khổ đau đã trộn lẫn niềm vui một cách mầu nhiệm bắt nguồn từ niềm hy vọng. Chính vì thế thánh Gioan, Người được thị kiến của đảo Patmos, có thể kết thúc cuốn sách của mình với một khát vọng sau cùng là sự hồi hộp đợi chờ. Ông khẩn cầu biến cố Chúa đến vĩnh viễn: ”Lậy Chúa Giêsu xin hãy đến!” (Kh 22,20), đây hẳn là lời khẩn cầu thường xuyên của các Giáo Hội thuộc thế kỷ thứ I. Thật vậy, thánh Phaolô cũng chứng thực lời khẩn cầu đó bằng tiếng Aramây ”Marana tha”, nghĩa là ”Lậy Chúa chúng con, xin hãy đến!” (1 Cr 16,22). Trong lời khẩn cầu đó chúng ta như đọc thấy tất cả sự nôn nóng sau cùng được gặp Chúa, Đấng mà Kitô hữu đã dâng trọn cuộc sống và cái chết cho Người. Thánh Gioan giúp chúng ta duy trì sống động nơi mình ước mong và sự chờ đợi đó, vượt qua mọi thử thách mà chúng ta phải đương đầu.


Sáng thứ tư 23-8 đã có hơn 8.000 tín hữu và du khách năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần với Đức Thánh Cha. Bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ, có các tín hữu đến từ các nước Đông Âu như Ba Lan, Estoni, Hungari, Lituani và cộng hòa Tchèques. Từ Á châu có các đoàn hành hương Đài Loan và Nhật Bản, trong khi từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Brasil.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Slóvac Lituani và Ý. Ngài khuyến khích mọi người hãy là những chứng nhân tươi vui của Tin Mừng giữa các khó khăn của thế giới này. Chào các bạn trẻ, các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nói: ”Ngày hôm qua Giáo Hội mừng lễ Thánh Maria Nữ Vương, tôi mời gọi anh chị em phó dâng chính anh chị em và mọi dự án của mình cho sự chở che hiền mẫu của Mẹ là Đấng đã ban Đấng Cứu Thế cho thế giới.

LTK







All the contents on this site are copyrighted ©.