2006-08-09 16:08:49

Ba giai đoạn trong lộ trình tình yêu của Thiên Chúa



Đó đã là đề tài giáo lý Đức Thánh Cha trình bầy trong buổi tiếp 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại đại thính đường Phaolo VI trong nội thành Vaticăng sáng thứ tư 9-8-2006.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục trình bầy chân dung các Tông Đồ, lần này đặc biệt là giáo huấn của Tông Đồ Gioan. Ngài nói: ”Nếu có một đề tài cá biệt nổi bật trong các bút tích của thánh Gioan, thì đó là đề tài tình yêu. Không phải vô tình mà tôi đã bắt đầu Thông điệp của tôi với các lời này của thánh Tông Đồ: ”Thiên Chúa là tình yêu” (Deus caritas est); ai ở trong tình yêu của Thiên Chúa thì Thiên Chúa ở trong người ấy” (1 Ga 4,16). Thật rất khó tìm ra các văn bản loại này trong các tôn giáo khác. Và như vậy các kiểu diễn tả này đặt để chúng ta trước một dữ kiện thật đặc biệt khác của Kitô giáo. Chắc chắn thánh Gioan không phải là tác giả duy nhất thời Giáo Hội khai sinh nói về tình yêu. Vì đây là yếu tố nền tảng của Kitô giáo nên tất cả mọi tác giả Tân Ước đều đề cập tới, cho dù với các nhấn mạnh khác nhau. Nếu giờ đây chúng ta có dừng lại để suy tư về đề tài này, thì đó là bởi vì thánh Gioan đã vạch ra các nét chính một cách kiên trì và định đoạt. Như vậy chúng ta tin tưởng nơi lời của người. Có một điều chắc chắn đó là thánh nhân không trình bầy nó một cách trừu tượng, như người ta thường làm khi đề cập tới một đề tài giáo thuyết. Thật ra, tự bản chất của nó, tình yêu đích thực không bao giờ chỉ thuần túy lý thuyết, mà quy chiếu về các bản vị thực sự một cách cụ thể có thể kiểm chứng được. Thánh Gioan cho chúng ta thấy đâu là các yếu tố hay đúng hơn các chặng của tình yêu Kitô: nó là một chuyển động gồm ba giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất liên quan tới chính nguồn gốc của tình yêu, mà thánh Tông đồ đặt để nơi Thiên Chúa, tới độ khẳng định rằng ”Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16). Thánh Gioan là tác giả duy nhất trong Tân Ước cho chúng ta các định nghĩa về Thiên Chúa. Chẳng hạn thánh nhân nói ”Thiên Chúa là Thần Khí” (Ga 4,24), hay ”Thiên Chúa là ánh sáng” (1 Ga 1,5). Ở đây thánh nhân công bố với trực giác sáng ngời ”Thiên Chúa là tình yêu”. Nên chú ý: thánh nhân không khẳng định một cách đơn thuần rằng ”Thiên Chúa yêu thương” lại càng không khẳng định rằng ”tình yêu là Thiên Chúa”. Nói cách khác, thánh Gioan không chỉ hạn chế trong việc miêu tả hành động của Thiên Chúa, mà tìm cho đến nguồn gốc của nó. Đàng khác, thánh nhân không có ý gán định tính thiên linh cho một tình yêu tổng quát hay vô bản ngã; thánh nhân không bước lên từ tình yêu của Thiên Chúa, mà hướng thẳng tới Thiên Chúa để định nghĩa bản chất của Người với chiều kích vô tận của tình yêu. Qua đó thánh Gioan muốn nói rằng yếu tố tạo thành nòng cốt của Thiên Chúa là tình yêu và như thế tất cả hoạt động của Thiên Chúa nảy sinh từ tình yêu và mang dấu vết tình yêu: tất cả mọi sự Thiên Chúa làm, Người làm vì tình yêu và với tình yêu.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định rằng: tới đây cần phải tiến thêm một bước nữa và xác định rằng Thiên Chúa đã minh chứng một cách cụ thể tình yêu của Người bằng cách bước vào trong lịch sử loài người qua con người của Đức Giêsu Kitô, nhập thể, chết và sống lại vì chúng ta. Đây là giai đoạn hai trong tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ hạn chế nơi các lời tuyên bố, nhưng đã thực sự dấn thân, và đã trả giá sự dấn thân đó với chính mạng sống mình, như thánh Gioan đã viết: ”Thiên Chúa đã yêu thương thế gian (nghĩa là tất cả chúng ta) đến độ ban chính Con Một Người” (Ga 3,16). Từ nay tình yêu của Thiên Chúa đối với con người được cụ thể hóa và tỏ lộ ra trong tình yêu của chính Đức Giêsu.

Thánh Gioan còn viết thêm như sau: ”Đức Giêsu sau khi đã yêu những kẻ thuộc về mình ở trong thế gian, thì Người yêu thương họ cho đến cùng” (Ga 13,1). Nhờ tình yêu hy hiến và toàn vẹn đó chúng ta được cứu chuộc khỏi tội lỗi một cách triệt để, như thánh tông đồ minh xác: ”Hỡi các con bé nhỏ của tôi ... nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có một trạng sư gần Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô công chính. Người là của lễ đền bù tội lỗi, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi của cả thế gian nữa (1 Ga 2,1-2; 1 Ga 1,7). Đấy, tình yêu của Đức Giêsu đối với chúng ta đã đạt tới điểm nào: tới chỗ dốc đổ máu Người cho ơn cứu rỗi của chúng ta! Khi chiêm ngắm tình yêu quá mức đó, Kitô hữu không thể không tự hỏi phải đáp trả lại như thế nào”.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: ”Câu hỏi này dẫn đưa chúng ta vào giai đoạn ba trong sức sinh động của tình yêu: từ chỗ là những người nhận được một tình yêu đi trước và cao vời, chúng ta được mời gọi đáp trả lại một cách tích cực bằng một lời đáp trả yêu thương. Thánh Gioan nói tới một ”điều răn”. Thật ra thánh nhân quy chiếu về các lời này của Chúa Giêsu: ”Thầy ban cho các con một điều răn mới: đó là các con hãy yêu thương nhau; các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34). Rồi Đức Thánh Cha đưa ra câu hỏi: ”Sự mới mẻ mà Chúa Giêsu nói tới, nằm tại đâu? Nó ở tại chỗ Chúa Giêsu không chỉ bằng lòng lập lại điều Kinh Thánh Cựu Ước đã đòi hỏi, như chúng ta có thể đọc trong các Phúc Âm khác: ”Hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (Lv 19,18; x. Mt 22,37-39; Mc 12,29-31; Lc 10,27). Trong điều răn cũ con người được lấy làm mực thước, (như chính mình), trong khi trong điều răn thánh Gioan nói tới, Chúa Giêsu tự giới thiệu chính con người của Chúa như là lý do và là mực thước cho tình yêu. Chính như thế mà tình yêu trở thành tình yêu Kitô đích thực: vừa trong nghĩa nó phải được hướng tới tất cả mọi người không phân biệt ai, vừa trong nghĩa nó phải đạt tới các hậu qủa tột đỉnh vì không có mực thước nào khác là không mực thước. Các lời của Chúa Giêsu ”như Thầy đã yêu các con” mời gọi chúng ta đồng thời khiến cho chúng ta lo lắng; nó là đích điểm Kitô học có thể xem ra không thể nào đạt tới được, nhưng cùng lúc nó cũng là một khích lệ không cho phép chúng ta chậm trễ thực hiện những gì chúng ta có thể thực hiện được”.

Đức Thánh Cha đã kết thúc bài huấn dụ với lời trích từ sách Gương Chúa Giêsu nói về đề tài này như sau: ”Tình yêu cao qúy của Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta làm những điều cao cả và thôi thúc chúng ta luôn ước mong những điều hoàn thiện hơn. Tình yêu muốn ở trên cao và không bị sự thấp hèn nào ghì lại. Tình yêu muốn được tự do và khinh chê mọi trìu mến trần gian ... Thật thế, tình yêu nảy sinh từ Thiên Chúa và không thể an nghỉ nếu không nơi Thiên Chúa vượt xa tất cả mọi tạo vật. Ai yêu thương thì bay, chạy và sung sướng, họ tự do và không bị gì kìm hãm. Họ cho mọi người tất cả và có tất cả trong mọi sự, vì tìm được an nghỉ nơi Đấng Cao Cả Duy Nhất vượt trên mọi sự, từ Người nảy sinh và phát xuất mọi điều thiện hảo” (libro III, ch.5). Có lời chú thích nào tốt đẹp hơn cho ”giới răn mới” do thánh Gioan loan báo bằng tư tưởng trên? Chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha giúp sống giới răn đó một cách sâu đậm đến độ khiến cho nó lây sang tất cả mọi người chúng ta gặp trên đường đời.

Đã có 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến trong đại thính đường Phaolô VI. Bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ cũng có các nhóm hành hương Đông Âu như Ba Lan, Lituani và Cộng hòa Tchèques. Từ Á châu có các nhóm hành hương Đài Loan, Ấn Độ và Nam Hàn. Từ Phi châu có đoàn hành hương Ghana, trong khi từ Châu Mỹ Latinh có các nhóm hành hương Mehicô và Brasil. Nhóm hành hương Đài Loan là đoàn vũ thuộc Trung Tâm Công Giáo Lan Dương. Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Lituani, Tchèques và Ý; đặc biệt là 700 tham dự viên Đại hội quốc tế ”Giới trẻ hướng về Assisi” do các cha dòng Phanxiccô Viện tu tổ chức, và 100 bạn trẻ tham dự trại hè quốc tế do Hiệp Hội Giorgio La Pira tổ chức ở Firenze trung Italia.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc cho biết hôm qua Giáo Hội kính thánh nữ Edith Stein bổn mạng Âu châu. Đức Thánh Cha xin vị chứng nhân anh hùng này của Tin Mừng giúp mỗi người luôn tin tưởng nơi Chúa Kitô và nhập thể sứ điệp cứu độ của Chúa trong cuộc sống thường ngay.

LTK







All the contents on this site are copyrighted ©.