2006-08-06 19:32:50

Lễ Hiển Dung mời gọi tín hữu mở đôi mắt con tim nhìn mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử cứu độ



Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã giải thích lễ Hiển Dung như trên trong bài huấn dụ trước Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6-8-2006 tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: ”Anh chị em thân mến, trong ngày Chúa Nhật hôm nay thánh sử Mạccô kể lại rằng Chúa Giêsu đem ba tông đồ Phêrô, Giacôbe và Gioan lên núi cao với Người và biến hình trước mặt các ông. Y phục Người trở thành sáng láng đến độ ”không có thợ nào trên trần gian có thể giặt trắng được như vậy” (Mc 9,2-10). Ngày hôm nay phụng vụ mời gọi chúng ta tập trung cái nhìn vào mầu nhiệm ánh sáng này. Trên gương mặt của Chúa Giêsu dãi tỏa một ánh sáng thiên linh, mà Người đã giữ gìn trong cùng thẳm tâm lòng. Chính ánh sáng đó sẽ rạng ngời trên gương mặt Chúa Kitô trong ngày Phục Sinh. Trong nghĩa này sự Hiển Dung diễn tả trước mầu nhiệm phục sinh.

Tiếp đến ĐTC giải thích ý nghĩa sự hiển dung như sau: ”Sự Hiển Dung mời gọi chúng ta mở đôi mắt con tim để nhìn mầu nhiệm ánh sáng của Thiên Chúa hiện diện trong toàn lịch sử cứu độ. Ngay từ đầu của việc tạo dựng, Đấng Toàn Năng đã phán: ”Hãy có ánh sáng” (St 1,2), và ánh sáng tách rời khỏi bóng tối. Cũng giống như các thụ tạo khác, ánh sáng là một dấu chỉ vén mở cho thấy một cái gì đó của Thiên Chúa: nó phản ánh vinh quang của Người, vinh quang đi kèm theo các lần Thiên Chúa tự tỏ hiện. Khi Thiên Chúa hiện ra, ”Chúa rực rỡ khác nào ánh sáng, mở đôi tay tỏa chiếu hào quang” (Kb 3,3). Trong các thánh vịnh ánh sáng là áo choàng của Chúa (x. Tv 104,2). Sách Khôn Ngoan dùng biểu tượng ánh sáng để miêu tả chính bản thể của Thiên Chúa: sự khôn ngoan, phát xuất từ vinh quang của Thiên Chúa, ”phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu”, cao trọng hơn mọi ánh sáng được dựng nên (Kn 7,27.29 tt.). Trong Tân Ước chính Chúa Kitô tỏ hiện tràn đầy ánh sáng của Thiên Chúa. Sự sống lại của Người đã vĩnh viễn đánh bại bóng tối của sự dữ. Với Chúa Kitô phục sinh khải hoàn, sự thật và tình yêu chiến thắng gian dối và cái chết. Nơi Người, ánh sáng của Thiên Chúa từ nay vĩnh viễn soi sáng cuộc sống con người và dòng lịch sử. Chúa khẳng định trong Phúc âm: ”Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không bước đi trong bóng tối, nhưng sẽ có được ánh sáng sự sống” (Ga 8,12)

Áp dụng vào trong cuộc sống của tín hữu trong hiện tình thế giới ngày nay, Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: ”Cả trong thời nay nữa chúng ta cũng cần bước ra khỏi bóng tối của sự dữ biết bao, để có thể sống kinh nghiệm niềm vui của ánh sáng! Xin Mẹ Maria, mà chúng ta mới kính nhớ hằng năm trong lễ cung hiến đền thờ Đưc Bà Cả hôm qua, giúp chúng ta có được ơn ấy! Ngoài ra, xin Trinh Nữ Rất Thánh cho các dân tộc Trung Đông, đang lâm cảnh huynh đệ tương tàn, được hòa bình! Chúng ta biết rằng hòa bình trước hết là ơn Chúa ban, cần phải kiên trì khẩn nài trong lời cầu ngyện, nhưng trong lúc này đây chúng ta cũng muốn nhắc lại rằng nó là dấn thân của tất cả mọi người thiện chí. Ước chi đừng có ai trốn tránh nhiệm vụ này! Vì vậy trước sự cay đắng thấy rằng cho tới nay các lời kêu gọi ngưng chiến trong vùng đất khốn khổ này đã không được lắng nghe, tôi khẩn thiết lập lại lời kêu mời trong nghĩa đó: xin tất cả mọi người góp phần cụ thể vào việc xây dựng một nền hòa bình công bằng và lâu bền. Tôi xin phó thác lời tái kêu mời này cho sự bầu cử của Đức Nữ Trinh Rất Thánh”.

Sau kinh đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho tín hữu Đức Thánh Cha đã nhắc đến biến cố Đức Giáo Hoàng Phaolô VI qua đời ngày Chúa Nhật Hiển Dung mùng 6 tháng 8 năm 1978 cách đây 28 năm. Ngài nói với hơn 4000 tín hữu và du khách hành hương tụ tập trong sân và ngoài công trường nhà nghỉ mát Castel Gandolfo như sau: ”Giờ đây tôi xin chào các khách hành hương ngoại quốc đến hiệp ý cầu nguyện chung với chúng ta. Trong ngày Chúa Nhật lễ Chúa Hiển Dung hôm nay, tôi không thể không nhớ đến một Chúa Nhật tương tự khác, trong đó các tín hữu hành hương tụ tập về Castel Gandolfo, nhưng đã không được đọc kinh Truyền Tin với Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, vì các điều kiện sức khỏe của người lúc đó đã rất trầm trọng: như anh chị em biết, vào chiều ngày mùng 6 tháng 8 năm 1978 Đức Phaolô VI đã an nghỉ trong Chúa. Chúng ta tưởng nhớ người trong ngày kỷ niệm này với tâm lòng biết ơn Thiên Chúa, đã ban cho Giáo Hội Người một chủ chăn như thế trong những năm quan trọng của Công Đồng Chung Vaticăng II và sau Công Đồng”.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan và chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành. Ngài đặc biệt cám ơn tín hữu Castel Gandolfo đã biếu tặng ngài trái cây trong ngày lễ trái Đào, mừng hằng năm vào đầu tháng 8.

LTK







All the contents on this site are copyrighted ©.