2006-07-17 12:27:09

PHỤ NỮ PHI CHÂU CAN ĐẢM


- Công an đây! Hãy mở cửa ra!

Tim đập liên hồi, bà Wangari Maathai khoác vội chiếc áo choàng rồi đến bên cửa sổ nhìn ra. Bên ngoài, nhóm người võ trang đang bao vây căn nhà nhỏ bé của bà nằm ở ngoại ô thủ đô Nairobi của Kenya.

Bấy giờ là 1 giờ 30 phút sáng Chúa Nhật trong năm 1995. Bà lo lắng tự hỏi:

- Chúa ơi, họ còn muốn hành hạ mình gì nữa đây?

Bên ngoài, một tiếng nói vang lên:

- Mở cửa ngay! Chúng tôi biết rõ nhà bà đang có cuộc họp chính trị lén lút.

Câu nói hoàn toàn sai. Bởi lẽ, bà Wangari đang trong giấc ngủ thần tiên và chỉ có một mình. Vậy thì, đây là nhóm người muốn áp đảo tinh thần của bà.

Sau phút suy nghĩ, bà Wangari bỗng cảm thấy cơn giận bốc cao, lấn át nỗi sợ hãi. Bà quát lớn:

- Ai ra lệnh cho các ông lục soát nhà tôi? Các ông thuộc loại người nào mà cần đến quá nhiều khí giới để đương đầu với một phụ nữ đơn chiếc???

Không ngờ cơn giận lại có hiệu quả.

Nhóm người võ trang - tự xưng là công an - đảo qua đảo lại quanh nhà trong vòng một tiếng đồng hồ rồi bỏ đi!

Thiệt hú hồn! Bà Wangari thở phào, ngồi phịch xuống chiếc ghế bành. Nhưng chính lúc này đây, nỗi lo sợ lại ập đến. Bà tự nhủ:

- Nếu họ thực sự muốn giết mình thì họ sẽ tạo ra tai nạn và mình sẽ chết như chết vì .. tai nạn!

Bà bỗng cay đắng tự hỏi:

- Không biết có nên tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại chính quyền độc tài của tổng thống Daniel Arap Moi hay không?

Tự hỏi nhưng bà tìm thấy ngay câu trả lời:

- Quá trễ để rút lui. Tốt hơn nên tiếp tục!

Rồi bà nhớ có lần đã nói với một trong ba con trai của mình rằng:

- Điều khác biệt giữa thành công và thất bại chính là biết đứng dậy sau mỗi lần bị ngã!

Ý nghĩ này làm tan biến mọi nỗi sợ hãi và gieo vào lòng bà sự can đảm, không lùi bước trước gian nguy ..

Năm ấy bà Wangari Maathai 54 tuổi. Nhờ can đảm, bà bỗng trở thành biểu tượng tranh đấu chống lại một thể chế thối nát và độc tài.

Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học và từ Hoa Kỳ trở về Kenya vào năm 1966, cô sinh viên Wangari - tràn đầy nhựa sống với 24 tuổi xuân - không tìm được việc làm. Lý do giản dị là xã hội Kenya không có chỗ đứng cho giới phụ nữ trí thức! Wangari đành làm trợ tá cho văn phòng nghiên cứu của đại học thủ đô Nairobi.

Năm 1969, Wangari kết hôn với Mwangi Maathai. Năm tháng trôi qua giúp bà Wangari nhận rõ thảm họa của Kenya: cây cối trong thành phố và trong rừng dần dần bị chặt, bị tàn phá. Bà liền khởi xướng phong trào quy tụ những người có thiện chí bảo vệ cây cối. Phong trào lan nhanh và mang tên ”Chiến dịch vòng đai xanh”. Chiến dịch vừa bảo vệ cây cối vừa cổ võ việc trồng cây.

Bà Wangari rảo quanh khắp nước Kenya huy động phụ nữ can đảm giúp bà thi hành chiến dịch.

Trong một cuộc họp, một phụ nữ cao tuổi giơ tay phát biểu ý kiến:

- Trồng cây từ xưa đến nay vẫn luôn là công việc của THIÊN CHÚA. Vậy sao Ngài không chịu trồng cho đủ?

Bà Wangari mĩm cười trả lời:

- THIÊN CHÚA không còn giờ trồng những cây mà chúng ta cần. Vậy chúng ta có bổn phận giúp Ngài!

Lời giải thích không ngờ được các phụ nữ đồng thanh chấp nhận. Mọi người hăng say hưởng ứng chiến dịch.

Trong vòng 2 năm đầu thập niên 1990, ”Chiến dịch vòng đai xanh” đã huy động 50 ngàn phụ nữ và trồng được 10 triệu cây trong toàn nước Kenya.

Một ngày, khi bà Wangari đưa người ngoại quốc thăm viếng khu vườn đầy cây cối ở thủ đô Nairobi, một người đàn ông nét mặt nhăn nheo tiến đến gần, hãnh diện nói:

- Chính các phụ nữ trồng các cây này. Chính họ đưa chim chóc về đây ca hót!

Và đúng như lời cụ già nói. Người ta nghe tiếng chim tưng bừng ca hót trên các cành cây!

Ngoài việc cổ võ chiến dịch trồng cây, bà Wangari còn lăn xả vào hoạt động chính trị. Bà thâm tín rằng:

- Nếu chỉ một người dám can đảm lên tiếng tố giác sự thối nát của một chính quyền độc tài, cũng đủ để làm thay đổi tất cả .. Nếu tôi kiên trì trên con đường tôi vạch ra, thì nhiều người khác sẽ theo gương tôi. Và nếu nhiều người theo tôi, chúng tôi sẽ đòi hỏi chính quyền thay đổi đường lối cai trị. Như thế, Phi Châu sẽ tiến trên đường phát triển.

Và các hoạt động của bà Wangari Maathai đã được thế giới ngưỡng mộ. Thật thế, ngày 8-10-2004, tại Oslo thủ đô nước Na-Uy, Ủy Ban Giải Thưởng Nobel đồng ý trao Giải Nobel Hòa Bình 2004 cho bà.

Bà Wangari Maathai là phụ tá Bộ Trưởng Môi Sinh và các Tài Nguyên Thiên Nhiên của chính phủ Kenya. Khi nhận tin vui, bà khiêm tốn nói:

- Tôi sung sướng và dâng lời cảm tạ THIÊN CHÚA vì hồng ân này. Tôi sẽ tiếp tục chiến dịch bảo vệ môi sinh và yêu cầu người dân Kenya hăng say cộng tác với tôi trong chiến dịch này.

... Tìm đâu ra mt người vợ đm đang? Nàng quý giá vượt xa châu ngọc. Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng, chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc. Suốt đi, nàng đem lại hạnh phúc chứ không gây tai họa cho chồng .. Chồng nàng được tiếng thơm nơi cổng thành khi ngồi chung với hàng kỳ mục trong dân .. Trang phục của nàng là quyền uy danh giá, nàng mỉm cưi khi nghĩ đến tương lai. Nàng khôn ngoan trong li ăn tiếng nói và dịu hiền khi dạy dỗ bảo ban .. Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân. Phụ nữ kính sợ THIÊN CHÚA mới đáng cho ngưi đời ca tụng. Hãy đ cho nàng hưởng những thành quả tay nàng làm ra. Ưc chi nơi cng thành nàng luôn đưc tán dương ca tụng do những việc nàng làm (Sách Châm Ngôn 31,10-31).

(Reader's Digest Sélection, Juillet/1996, trang 63-68).

 
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.