2006-07-11 12:10:25

ĐỨC TIN TRONG THỬ THÁCH CỦA MỤC SƯ TIN LÀNH


Năm 1972 là thời kỳ hỗn quan hỗn quân trên chính trường Uruguay. Đó là thời kỳ Uruguay sống dưới chế độ quân phiệt. Chính quyền coi Kitô Giáo là nguồn phát sinh mọi suy đồi. Đó là lý do giải thích việc bắt giam hàng chục Linh Mục Công Giáo và Mục Sư Tin Lành, trong đó có Mc Sư Miguel Brun. Mục Sư bị giam trong vòng 18 tháng và bị di chuyển từ trại tù này sang trại tù khác. Chính Mục Sư kể lại kinh nghiệm sống lòng tin và cầu nguyện như sau.

Khốn khổ trong cảnh tù đày nối kết chúng tôi với nhau. Đôi khi chúng tôi có thể cử hành chung bí tích Thánh Thể mà chúng tôi gọi là buổi cử hành ”Thánh Lễ - phụng tự” hoặc ”phụng tự - Thánh Lễ” tùy theo vị chủ tế là Linh Mục Công Giáo hay Mục Sư Tin Lành.

Để ngăn chặn ”phong trào giải phóng quốc gia Tupamaros” tìm ra nơi giam giữ và giải thoát chúng tôi, chính quyền quân phiệt thường di chuyển chúng tôi liên tục từ trại tù này sang trại tù khác. Họ canh giữ thật cẩn mật để chúng tôi không thể liên hệ với nhau.

Trại giam cuối cùng - chóp đỉnh của thời kỳ gian khổ - mang tên ”nhà tù tự do”. Đó là nhà tù nổi tiếng khắt khe nhất nước Uruguay. Tại đây giam 8 Linh Mục Công Giáo và 7 Mục Sư Tin Lành.

Mặc dù bị canh giữ nghiêm ngặt, chúng tôi vẫn tìm cách liên hệ trao đổi với nhau. Điều buồn nhất là chúng tôi khó thành công trong việc cùng cầu nguyện hoặc hát Thánh Vịnh. Một buổi sáng, lính canh người Uruguay gốc Phi châu, ra hiệu cho tôi đến gần song sắt và nói:

- Ông biết không, hôm qua, khi các ông hát thánh ca chúc tụng Đức Chúa GIÊSU KITÔ thì tôi cũng hợp lời hát với các ông vì tôi là tín hữu Tin Lành!

Thật cảm động, kẻ thù tôi bên kia song sắt, mang cùng niềm tin như tôi.

Trong một trại tù, nhóm tù nhân - Linh Mục Công Giáo và Mục Sư Tin Lành - chúng tôi may mắn gặp nhân viên cai tù thật tốt lành. Ông giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Ông cho phép chúng tôi nhận sách Kinh Thánh, làm thủ công và đôi khi nói chuyện với gia đình qua điện thoại ..

Cái khổ nhất trong thời gian tù đày là chúng tôi bị đổi trại liên miên. Chúng tôi mù tịt về chỗ giam và không rõ thời gian giam cầm kéo dài bao lâu, sống chết lúc nào! Nhiều khi chúng tôi thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Thêm vào đó, phải chứng kiến tận mắt cái chết của các tù nhân khác!

Một ngày, nơi hành lang nhà tù, tôi thoáng nghe tiếng gọi:

- Thưa Mục Sư.

Tôi tiến thẳng tới chỗ có tiếng gọi. Người tù nói nhỏ với tôi:

- Xim Mục Sư cầu nguyện cho tôi.

Tôi đáp:

- Được, tôi sẽ cầu nguyện cho anh. Nhưng phần anh, anh cũng phải tự cầu nguyện chứ! Bởi lẽ, chúng ta đâu có sống mãi với nhau.

Người tù nói:

- Tôi chưa bao giờ học cách thức cầu nguyện. Tôi không biết phải bắt đầu khi nào và cầu nguyện ra sao.

Tôi đáp:

- Rất đơn giản. Anh nghe đây. Anh biết nói chuyện với bạn phải không? - Phải? Vậy thì, THIÊN CHÚA là người bạn. Ngài đang ở cạnh anh. Anh cứ đơn sơ nói chuyện với Ngài như nói chuyện với người bạn. Thế thôi. Anh không cần tìm kiếm công thức rườm rà hoặc câu kinh dọn sẵn!

Phần tôi, sở dĩ tôi vượt thắng gian lao thử thách mà không rơi vào hố thẳm tuyệt vọng hoặc bị điên loạn là nhờ cầu nguyện. Tôi luôn luôn được ơn biết cầu nguyện mọi nơi và mọi lúc, mặc cho khốn khổ vừa thể xác vừa tinh thần. Mối liên hệ thân tình được thiết lập giữa Đức Chúa GIÊSU và tôi. Cầu nguyện tức là nói chuyện với Người từng sống hoàn cảnh y như tôi: Ngài bị đánh đòn, bị nhục mạ và sau cùng bị treo trên Thánh Giá. Khi tôi bị tra tấn, tôi biết rằng sức mạnh của Đức Chúa KITÔ ở với tôi. Thân xác tôi bị hành hạ, nhưng có Đức Chúa GIÊSU ngự trong trái tim và trong tâm hồn tôi. Tôi can đảm và bình tĩnh cho đến nỗi các nhân viên canh tù phải kinh ngạc. Họ hỏi tôi:

- Ông kín múc sức mạnh ở đâu thế? Hẳn ông được huấn luyện tâm lý và tinh thần ở bên Nga phải không?

Tôi chỉ mĩm cười. Tôi không đau khổ vì cô đơn như nhiều tù nhân không tôn giáo. Đức Chúa GIÊSU KITÔ ở với tôi. Chúng tôi là hai người cùng chịu đau khổ.

(”Annales d'Issoudun”, Janvier/1997, trang 13-16).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.