2006-07-09 17:32:25

Thánh lễ bế mạc đại hội gia đình tại Valencia


Từ thứ bảy vừa qua, ĐTC đã đáp máy bay sang Valencia Tây ban nha để chủ toạ Đại hội các gia đình lần thứ V. Cao điểm của cuộc gặp gỡ là buổi canh thức tại khu “thành phố Nghệ thuật và Khoa học” vào buổi tối thứ bảy, với sự tham dự của non một triệu người. Sau đó nhiều gia đình đã ngủ lại tại chỗ để tham dự thánh lễ cử hành sáng chúa nhựt lúc 9 giờ 15. Cùng đồng tế với đức Bênêđictô XVI có 50 hồng y, 450 giám mục và 300 linh mục, và đặc biệt chén thánh được sử dụng chính là chén mà Chúa Giêsu đã sử dụng tại nhà tiệc ly, mà theo truyền thống được thánh Phêrô đem qua Rôma, và được giao cho thánh Lorenzo phó tế đưa cất ở Huesca (Tây ban nha) trong thời bắt đạo, và được giữ tại nhà thờ chánh toà Valencia từ năm 1437.
Trong hàng ghế danh dự có hoàng gia Tây-ban-nha, hai vị tổng trưởng bộ ngoại giao và tư pháp đại diện cho chính phủ, thống đốc miền Valencia, thị trưởng thành phố. Các lời nguyện được lấy từ lễ kính thánh gia, còn các bài đọc Sách thánh đã được chọn lựa theo đề tài của Đại hội “Truyền thụ đức tin trong gia đình”: bài đọc thứ nhất trích từ sách Esther chương 14, trong đó có câu tuyên xưng rằng: “Lạy Chúa trong chi tộc cha ông, con được nghe kể lại rằng Chúa đã tuyển chọn Israel giữa muôn ngàn dân tộc”. Bài đọc thứ hai lấy ở thư thứ hai của thánh Phaolô gửi Timotê, chương 1, câu 1-8: thánh tông đồ tạ ơn Thiên Chúa, Đấng mà người phụng thờ với lương tâm trong trắng theo gót tổ tiên, và nhắn nhủ ngưòi môn đệ hãy nhớ lại đức tin của bà ngoại Loide và bà mẹ Eunike. Bài đọc Tin mừng lấy từ thánh Gioan chương 15, câu 9-12.

Trong bài giảng, sau những lời chào mừng thường lệ, ĐTC đã dựa theo các bài đọc để diễn giảng về vai trò của gia đình trong việc truyền thụ đức tin. Theo các chứng từ của Kinh thánh, gia đình bao gồm không những cha mẹ và con cái, mà cả ông bà tổ tiên. Như vậy gia đình là một cộng đoàn gồm nhiều thế hệ, và lưu giữ gia sản của các truyền thống. Ngài nói như sau:

Không ai tự ban cấp cho mình sự hiện hữu, cũng không ai tự mình thủ đắc những kiến thức sơ đẳng cho cuộc sống. Tất cả chúng ta đã nhận được sự sống và những chân lý căn bản cho sự sống nhờ những người khác, và chúng ta được kêu gọi đạt tới sự hoàn thiện nhờ mối tương quan và hiệp thông yêu mến với những người khác. Gia đình được xây dựng trên hôn nhân bất khả ly giữa một người nam và một người nữ, diễn tả chiều kích tương quan và cộng đoàn ấy; gia đình là khung cảnh nơi mà con người có thể sinh ra xứng hợp với phẩm giá, tăng trưởng và phát triển toàn diện.

Khi một đứa trẻ chào đời, qua mối tương quan với cha mẹ, nó bắt đầu trở nên thành phần của một truyền thống gia đình với cội rễ lâu đời. Đứa trẻ lãnh nhận do cha mẹ không những là hồng ân sự sống, mà còn cả một gia sản những kinh nghiệm. Do đó, cha mẹ có quyền lợi và bổn phận không thể chuyển nhượng phải truyền thụ lại gia tài đó cho con cái: dạy cho con cái biết khám phá ra căn cước của mình, dẫn dắt chúng vào đời sống xã hội, vào việc sử dụng tự do luân lý một cách có trách nhiệm, và truyền thụ khả năng yêu thương nhờ kinh nghiệm đã được yêu thương, và nhất là dẫn đưa chúng đến gặp gỡ Thiên Chúa. Con cái lớn lên và trưởng thành về nhân bản trong tầm mức tin trưởng đón nhận gia tài và nền giáo dục đó. Nhờ đó, chúng có khả năng đúc kết một thứ tổng hợp cá nhân giữa điều tiếp nhận và điều mới mẻ. Sự đúc kết này là một trách vụ của mỗi người và của và mỗi thế hệ.

Từ chỗ truyền thụ gia sản tinh thần, Đức thánh cha nói tiếp về sự truyền thụ đức tin như sau:

“Thiên Chúa là Đấng Tạo hoá có mặt nơi nguồn gốc của mỗi người, và do đó, ở nơi nguồn gốc của chức làm cha và làm mẹ. Vì thế vợ chồng cần phải đón nhận đứa con do mình sinh ra, không chỉ như là con cái của mình, mà còn như là con cái của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chính nó và kêu gọi nó làm con cái của Ngài. Hơn thế nữa, nguồn gốc của mỗi sự sinh ra và của mối tình cha tình mẹ là Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.

Cha ông của cô Ester đã truyền lại cho cô, cùng với ký ức về tổ tiên và dân tộc, cả ký ức về một Thiên Chúa, nguồn gốc của tất cả chúng ta, Thiên Chúa là Cha đã tuyển chọn dân mình và đang tác động trong lịch sử để cứu chuộc chúng ta. Ký ức về Thiên Chúa Cha soi sáng căn cước sâu xa nhất của con cái: chúng ta đến từ đâu, chúng ta là ai, phẩm giá chúng ta cao cả đến mức nào. Chắc chắn rằng chúng ta đến bởi cha mẹ chúng ta, và là con cái của các ngài, nhưng chúng ta cũng đến bởi Thiên Chúa, Đấng dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài, và gọi chúng ta làm con cái của Ngài. Vì thế, nguồn gốc của con người không phải do tình cờ ngẫu nhiên, nhưng là do một kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Đó là điều mà đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa và con ngưòi hoàn thiện, đã mặc khải cho chúng ta. Ngài biết mình từ đâu mà đến, và tất cả chúng ta từ đâu mà đến: từ tình yêu của Cha của Ngài và Cha của chúng ta.

Đức tin không phải chỉ là một di sản văn hoá nhưng là một tác động liên tục của Thiên Chúa kêu gọi và của tự do con người đáp trả hay từ chối lời gọi ấy. Tuy rằng không ai có thể trả lời thay cho người khác, nhưng cha mẹ Kitô hữu được mời gọi hãy làm chứng nhân xác tín cho đức tin và lỏng hy vọng của Kitô hữu. Họ cần phải làm thế nào để cho lời gọi của Thiên Chúa và Tin mừng của Chúa Kitô đạt đến con cái mình cách rõ ràng và chính xác.

Qua dòng thời gian, hồng ân của Thiên Chúa mà cha mẹ đã góp phần vào việc trình bày cho con cái thơ ấu cần được vun trồng cách khôn khéo và dịu dàng, giúp tăng cường khả năng phân định. Nhờ vậy, cùng với chứng tá bền vững của tình nghĩa phu thê của cha mẹ, được thấm nhuần bởi đức tin, và cùng với sự đồng hành của cộng đoàn Kitô hữu, các con cái sẽ được trợ giúp để hấp thụ hồng ân đức tin như là một điều của bản thân mình, khám phá ra nơi đức tin ý nghĩa sâu xa của cuộc sống và cảm nhận được niềm sung sướng về hồng ân đó.

Gia đình Kitô giáo truyền thụ đức tin khi cha mẹ daỵ dỗ con cái biết cầu nguyện và càu nguyện chung với chúng, khi cha mẹ dẫn con cái đến gần các bí tích, và hướng dẫn chúng vào cuộc sống của Hội thánh, khi mọi người họp nhau lại để đọc Sách thánh, nhờ đó cuộc sống gia đình được chiếu sáng bằng đức tin, và trong niềm ca ngợi Thiên Chúa.

Trong văn hóa hiện đại, người ta thường đề cao tự do cá nhân, được quan niệm như một chủ thể tự lập, ra như là cá nhân tự mình làm ra mình và đầy đủ cho mình, không cần phải liên hệ với ai nữa và cũng không mang trách nhiệm với ai khác. Người ta muốn tổ chức đời sống xã hội dựa trên những ước muốn chủ quan và hay thay đổi, chẳng cần quy chiếu về một chân lý khách quan, như là phẩm giá của mỗi con người, những nghĩa vụ và quyền lợi bất khả nhượng của con người, mà mọi nhóm xã hội phải phục vụ.

Giáo hội không ngừng nhắc nhở rằng sự tự do đích thực của con người bắt nguồn từ chỗ con người được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Vì thế sự giáo dục kitô giáo chính là giáo dục tự do và nhắm đến tự do: “Chúng ta làm điều tốt không như là nô lệ, những người không thể làm cách nào khác được, nhưng chúng ta làm điều tốt bởi vì chúng ta mang trách nhiệm trước mặt thế giới, bởi vì chúng ta quý trọng chân lý và sự thiện, bởi vì chúng ta yêu mến Thiên Chúa, và vì thế, yêu mến những thụ tạo của Chúa. Đó mới là tự do đích đáng, tự do mà Thánh Thần muốn đưa chúng ta đến.

Chúa Kitô là con người hoàn hảo, mẫu gương của sự tự do con cái, đấng dạy chúng ta thông truyền cho tha nhân tình yêu của ngài “Như Chúa Cha đã yêu thầy, thầy đã yêu chúng con, các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9). Công đồng Vaticanô II dạy rằng “các vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu … cần biết cậy dựa vào ơn thánh, với tình yêu chung thuỷ suốt đời, và dạy dỗ theo giáo dục Kitô giáo và theo các giá trị Phúc âm, những con cái được âu yếm đón nhận bởi Chúa. Như vậy, ho cống hiến cho mọi người tấm gương của mộg tình yêu vui tươi không biết mỏi mệt, họ xây dựng tình yêu huynh đệ, và trở nên chứng nhân và kẻ cộng tác vào sự phong nhiêu của Mẹ Hội thánh như là biểu tượng và thông dự vào tình yêu mà Chúa Kitô đã yêu thương và tự hiến cho bạn mình” (HT 41).

Tình yêu hoan hỉ mà cha mẹ đón tiếp và tháp tùng chúng ta trong những bước đầu tiên trên đời này là dấu hiệu và sự nối tiếp nhiệm tích của tình yêu ân cần của Thiên Chúa, từ đó mà chúng ta bắt nguồn. Cảm nghiệm được đón nhận và được yêu thương bởi Thiên Chúa và bởi cha mẹ là nền tảng vững chắc giúp cho sự tăng trưởng và phát triển chân chính của con người, giúp chúng ta trưởng thành trên bước đường hướng đến chân lý và tình yêu, và vượt ra khỏi bản ngã để đến hiệp thông với tha nhân và với Thiên Chúa.

Để tiến bước trên con đường trưởng thành nhân bản, Giáo hội dạy chúng ta hãy tôn trọng và cổ võ thực tại tuyệt vời của hôn nhân bất khả ly giữ một người nam với một người nữ, và chính là nguồn gốc của gia đình. Vì thế, việc nhìn nhận và giúp đỡ định chế này là một trong những dịch vụ quan trọng nhất hiện nay góp phần vào thiện ích chung và sự tiến bộ thực sự của các cá nhân và các xã hội, và cũng là bản đảm tốt nhất cho phẩm giá, sự bình đẳn và tự do đích thực của nhân vị.

Trong phần kết luận, ĐTC nói: “Chúng ta hãy trở lại bài đọc Một, trích từ sách Ester. Hội thánh đã nhận thấy nơi hoàng hậu khiêm tốn, chuyển cầu cho dân tộc mình đang chịu đau khổ, như là hình ảnh tiên báo mẹ Maria. Đức Maria đã trao ban cho chúng ta Chúa Giêsu giống như một bà mẹ, hình ảnh của người Mẹ che chở đùm bọc gia đình của Chúa đang lữ hành trên đời. Đức Maria là hình ảnh gương mẫu của tất cả các bà mẹ, gương mẫu của sứ mạng cao cả là bảo tồn sự sống, sứ mạng là dạy cách sống, dạy cách yêu. Gia đình Kitô giáo – cha mẹ con cái – được mời gọi thi hành những mục tiêu vừa nói không phải như là cái gì áp đặt từ bên ngoài, nhưng như là một hồng ân của bí tích hôn phối được phú vào các đôi vợ chồng. Nếu họ biết cởi mở với Thánh Linh và xin Ngài trợ giúp, thì Ngài sẽ không ngừng thông truyền cho họ tình yêu của Chúa Cha đã được bày tỏ và hiển hiện ở nơi đức Kitô. Sự hiện diện của Chúa Thánh Linh sẽ giúp cho các đôi vợ chồng đừng quên mất nguồn mạch và mẫu mực của tình yêu và sự trao phó, giúp họ biết cộng tác với Ngài trong niềm khao khát gặp gỡ vĩnh viễn với đức Kitô tron nhà của Chúa Cha đức Kitô và là Cha của chúng ta. Đó là sứ điệp hy vọng mà từ Valencia tôi muốn gửi đến tất cả mọi gia đình trên thế giới. Amen.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã tuyên bố đại hội gia đình lần tới sẽ được tổ chức tại thành phố Mêxicô (nước Mekhicô) năm 2009. Ngài đã đọc kinh Truyền tin bằng tiếng latinh và ban phép lành bằng tiếng Tây ban nha.
 Bình Hoà.







All the contents on this site are copyrighted ©.