2006-06-27 14:29:29

TẬN HIẾN ĐỜI ĐỘC THÂN CHO TRẺ MỒ CÔI


Tôi khởi sự hành nghề nơi trường dành cho trẻ em khuyết tật. Ngay ngày đầu tiên người ta nhắc nhở chúng tôi:

- Xin quý vị đừng quyến-luyến các trẻ này. Bởi lẽ, các em không ở lại mãi nơi trường và tình cảm quý vị dành cho chúng sẽ khiến chúng bị khổ sở khi lìa trường và rời xa quý vị.

Lời dặn dò như lưỡi gươm xuyên thấu trái tim tôi. Tôi đau đớn tự hỏi:

- Làm sao các trẻ em có thể sống thiếu tình thương?

Nghĩ thế nên khi đọc bài báo nói về ”Làng Gia Đình” dành cho các trẻ mồ côi, tôi quyết định đổi nghề. Khi tôi liên lạc, giới phụ trách Làng vui mừng nói với tôi:

- Xin Cô đến ngay vì chúng tôi đang cần Bà Mẹ cho một gia đình vắng bóng Mẹ Cha.

Ngày hôm sau đến Làng, tôi nhận trách nhiệm làm Mẹ cho 6 anh chị em mồ côi: 4 trai và 2 gái, tuổi từ 2 đến 12.

Năm kế tiếp - thể theo điều luật của Làng - tôi nhận thêm 2 bé trai nữa.

Thế là gia đình chúng tôi gồm 9 người. Chúng tôi chung sống nơi Làng trong vòng 11 năm. Ưu tư đầu tiên của tôi là cố gắng mang đến cho các con mồ côi chút tình thương. Các con tôi không biết thế nào là ”được thương”. Vì thế bổn phận tôi là minh chứng cho các con thấy rằng:

- Tình yêu hiện hữu và yêu thương nhau là điều có thể, mặc dầu cần phải có thời gian.

Khi dẫn các em đến giao cho tôi, vị phụ trách nói với chúng:

- Giờ đây các con có người Mẹ biết yêu thương các con!

Đứa lớn nhất nói ngay:

- Đây là lần đầu tiên con nghe nói đến tình thương!

Cuộc gặp gỡ gây ngạc nhiên cho cả hai bên. Phía các trẻ, vì phải đi xe suốt đêm, nên chúng mệt mỏi và trông như người mất hồn. Phần tôi, tôi kinh ngạc về dáng điệu buồn-bã và bệnh-hoạn của chúng. Nỗi u-sầu như lộ hẳn trên gương mặt. Tôi từng ghi nhận điều này:

- Các trẻ em không được yêu, trông thật xấu xí!

Ban đầu, các con tôi tỏ ra dè dặt, nhất là mấy đứa lớn. Mấy đứa nhỏ tự nhiên hơn, đơn sơ hơn. Chúng gọi tôi ngay bằng MÁ và chấp nhận tôi dễ dàng hơn. Trong khi mấy đứa lớn phải một thời gian mới chấp nhận tôi. Dần dần các con tôi bắt đầu phát triển khi chúng cảm nghiệm tôi để ý săn sóc và yêu thương chúng, từng đứa một.

Vì lý do tình cảm bị xáo trộn lúc tuổi còn thơ nên cả 8 đứa con tôi không học hành đến nơi đến chốn. Chỉ có điều may mắn: tất cả đều tìm được việc làm, ngoại trừ Antoine, đứa con trai nhỏ tuổi nhất. Antoine tử nạn xe hơi năm 20 tuổi, lúc đang thi hành nghĩa vụ quân sự.

”Làng Trẻ Em” gồm 10 căn nhà xinh xắn có vườn bao chung quanh. Các em mồ côi cùng Cha cùng Mẹ, thường được quy tụ trong cùng gia đình với Bà Mẹ Nuôi. Các trẻ đi học nơi trường của Làng và làm các việc lặt vặt như các trẻ em đồng lứa tuổi.

Dĩ nhiên, nơi Làng Gia Đình với các Bà Mẹ Nuôi độc thân, vắng bóng hình ảnh người Cha. Để bù đắp lổ hổng này, ban tổ chức Làng rất chú ý đến việc chọn lớp học cho các em. Chẳng hạn, các em thường được xếp trong các lớp mà thầy dạy là nam giáo viên, hoặc theo các bộ môn thể thao mà huấn luyện viên là nam giới.

Nơi gia đình, tôi cố gắng gây bầu khí thân thiện và yêu thương. Tôi cũng phân chia công việc để dạy các con biết giúp đỡ và phục vụ người khác.

Được làm Mẹ cùng lúc 8 đứa con, tôi cảm thấy lòng tràn đầy niềm tri ân và khám phá ra tình phụ tử THIÊN CHÚA. Tôi thầm nghĩ:

- Các con tôi bị tổn thương trong tình cảm nên luôn luôn tìm kiếm tình yêu và không biết yêu thương một cách đúng đắn.

Đây cũng là trường hợp chung của con người trước THIÊN CHÚA. Từ đó tôi tôi hiểu được phần nào Tình Yêu bao la THIÊN CHÚA dành cho loài người.

Sau thời gian 11 năm, mấy đứa lớn lập gia đình và ra ở riêng. Chỉ còn lại 4 đứa nhỏ tuổi nhất. Tôi quyết định rời ”Làng Trẻ Em” và mua một căn nhà. Từ đó chúng tôi sống hoàn toàn độc lập và tự do tổ chức cuộc sống theo ý muốn.

Giờ đây tất cả các con tôi lập gia đình và có con cháu. Nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn tựu về nhà tôi, vui đùa và cùng nhìn lại hình ảnh kỷ niệm ngày xưa. Chúng nói với tôi:

- Chúng con sinh ra vào ngày giờ khác nhau, nhưng cuộc sống chúng con chỉ thực sự bắt đầu vào cùng một ngày chúng con về sống với MÁ!

(Chứng từ của Cô Pauline tín hữu Công Giáo Pháp).

(”Annales d'Issoudun”, Novembre/1997, trang 337-340).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.