2006-06-19 12:24:03

HỘI NHẬP VĂN HÓA PHÁP


Tôi (Michaela Motose) người Nhật và là nữ tu Phan-Sinh Thừa Sai Đức Mẹ MARIA. Tôi chào đời trong gia đình Phật giáo sùng đạo. Tôi làm việc tông đồ tại Pháp.

Ngày nay, hoạt động truyền giáo trôi chảy nhờ hội nhập văn hóa. Việc nhập thể của Đức Chúa GIÊSU mời gọi chúng tôi sống khiêm tốn, trong tư cách là thừa sai. Đức Chúa GIÊSU chỉ cho biết con đường của mầu nhiệm phục sinh như được nhìn thấy trong các nền văn hóa khác nhau.

Để giúp làm sáng tỏ vấn đề hội nhập, tôi xin phép so sánh sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Pháp và Nhật. Trước tiên là cá nhân chủ nghĩa. Người Pháp đặt ”cái tôi” làm trung tâm mọi sự. Trong khi Phật Giáo dạy phải xóa mình đi để tiếp nhận người khác. Honen, vị sư Phật Giáo thế kỷ 12 nói:

- Khi bạn tranh luận với ai, đừng tỏ ra quá thông minh, vì như thế, bạn tạo ra khoảng cách khá xa ..

Người Nhật không thích kẻ nào nói nhiều vì cho rằng, ai nghèo ý thì nói nhiều và nói nhanh. Trái lại, người có lòng tốt và thông minh, thì nói rất ít.

Tiếp đến là vấn đề ngôn ngữ. Đối với người Nhật thì tiếng Pháp là tiếng nói của tự-do, trong-sáng và là ngôn ngữ thật hay thật đẹp. Chẳng hạn việc xưng hô. Tiếng Pháp thật đơn giản. Tiếng Nhật thì không. Việc xưng hô thật phức tạp, thay đổi tùy theo người đối diện là đấng bề trên hay kẻ bề dưới, ngang hàng hay thấp bé, thân mật hay xa lạ.

Một điểm son khác của tiếng Pháp là rõ ràng dứt khoát. Khi trả lời một câu hỏi, bạn có thể nói có hoặc không. Tiếng Nhật thì không thế. Chúng tôi có thể trả lời cùng lúc có, không / không, có. Tại sao vậy? Thưa, vì người Nhật không muốn làm mất mặt, mất lòng người đối diện, nên chỉ trả lời lửng-lơ lơ-lửng!

Điểm khác biệt thứ ba là não trạng sống của tây phương. Nghệ thuật sống của người Pháp ở chỗ ăn món ngon, uống rượu ngon, nói chuyện phiếm v.v. Trong khi người Nhật ăn bằng mắt. Đĩa đựng thức ăn thật đẹp, nhưng món ăn dọn trong đĩa thật giới hạn! Phật Giáo dạy chỉ ăn vừa đủ no, hầu lên được Niết-Bàn. Phật Giáo còn dạy kiềm chế xúc cảm. Bộc lộ cảm xúc là điều đáng xấu hổ, vì như thế chứng tỏ mình bị ảnh hưởng của thế giới bên ngoài. Khi không tự chủ mà tỏ ra giận dữ thì làm mất bầu khí hòa điệu. Và đây là điều người Nhật tối kỵ.

Trong tư cách người Nhật sống tại Pháp, tôi ý thức sâu xa sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Nhật và Pháp. Cùng lúc, tôi cảm thấy hạnh phúc vì được rửa tội trở thành tín hữu Kitô và rồi trở thành nữ tu. Đối với tôi, theo đạo Công Giáo, không có nghĩa là từ bỏ Phật Giáo, hoặc chuyển từ tôn giáo này sang tôn giáo khác, nhưng là tiếp nhận hạt giống Lời Chúa, giúp tôi có khả năng - vào một thời điểm thuận tiện - mở rộng lòng tiếp đón Lời Chúa nhập thể bởi Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Tôi xin phép kể lại mối quan hệ với cha mẹ tôi, những phật tử sùng đạo. Người Nhật rất chú trọng việc tôn kính tổ tiên. Tâm tình tôn giáo của người Nhật chịu ảnh hưởng việc thờ cúng tổ tiên và Khổng Giáo. 60% gia đình Nhật có đặt bàn thờ kính tổ tiên, kể cả gia đình tôi.

Một ngày, khi về thăm gia đình tại Nhật, cha mẹ tôi cho biết đã mua hầm mộ cho gia đình, trong đó có phần mộ dành cho tôi. Mẹ tôi nói:

- Hy vọng nhà dòng con cho phép mang một phần di hài con về mai táng trong phần mộ gia đình.

Đối với cha mẹ tôi, đây là dấu chứng sự hiệp nhất gia đình và cùng lúc nói lên niềm tin của phật tử.

Sau đó hai năm, tôi lại về Nhật thăm gia đình. Vào dịp lễ tảo mộ, tôi xin đi theo cha mẹ quét dọn mồ mã và cầu nguyện trước mộ ông bà. Ban đầu cha mẹ tôi ngạc nhiên, nhưng rồi hai ngài tỏ ra hết sức vui mừng. Mẹ tôi đưa cho tôi xâu chuỗi Phật ngày xưa khi còn nhỏ, tôi vẫn dùng để cầu nguyện cùng Phật.

Lạ lùng thay, ngay tối hôm đó, cha mẹ nói với tôi:

- Tốt hơn con nên an nghỉ nơi nghĩa trang các tín hữu Kitô, bên cạnh các nữ tu cùng dòng, bởi vì con là tín hữu Công Giáo. Như thế con được an nghỉ giữa các anh chị em Kitô của con.

Nghe cha mẹ nói thế, tôi thật cảm động đến không cầm được nước mắt ..

(”Missions Etrangères de Paris”, Mars/1994, trang 71-76).

 
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.