2006-06-04 17:32:09

Thánh lễ Hiện xuống tại Rôma


Chiều thứ bảy vừa qua, tại quảng trường thánh Phêrô, Đức thánh cha đã chủ sự kinh chiều lễ Hiện xuống cùng với gần 400 ngàn thành viên các phong trào và hội đoàn trong Giáo hội, đến từ khắp nơi trên thế giới. Sáng chúa nhựt hôm qua, ngài lại chủ sự thánh lễ trên thềm đền thờ thánh Phêrô dành cho cộng đoàn Dân Chúa, với số người tham dự khoảng 100 ngàn. Ý nghĩa của lễ Ngũ tuần được giải thích ngay từ những lời mở đầu thánh lễ như sau: “Anh chị em thân mến, chúng ta mừng biến cố trọng đại của lễ Ngũ tuần, cao điểm của niềm vui Phục sinh, mở đầu cho sứ vụ của Hội thánh, biểu lộ cho muôn dân mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa được giấu ẩn từ bao đời. Tụ họp với nhau dể cầu nguyện cùng với Đức Maria, thân mẫu Chúa Giêsu cũng như các thánh tông đồ xưa kia trong nhà Tiệc ly, chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha cho chúng ta được lôi cuốn trong luồng sinh khí từ trời cao là Thánh Linh. Đối với Hội thánh, Thánh Linh là sức mạnh và vẻ đẹp, hơi thở thần linh và cơn gió thổi căng buồm, nguồn của ánh sáng, đặc sủng, nguồn hoan lạc và bình an. Kể cả vào thời đại nay, chúng ta cảm thấy cần một lễ Ngũ tuần mới để hun nóng con tim, gợi lên lời nói trên môi miệng, phú ban ơn ngôn sứ cho đôi mắt".

Thánh lễ đã diễn ra bằng tiếng latinh, với hai bài đọc đầu tiên bằng tiếng Anh, Tây-ban-nha, và các ý chỉ lời nguyện phổ quát bằng tiếng Bồ đào nha, Hoa, Ả-rập, Đức, Pháp, Nga. Dù sao, chính trong các bài thánh ca của lễ Hiện xuống mà truyền thống đạo đức bình dân đã rút ra những kinh nguyện kính Chúa Thánh Thần, chẳng hạn như Ca tiếp liên: Veni Sancte Spiritus et emitte caelitus, luce tuae radium Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, và từ trời cao xin tỏa ánh quanh minh. Lạy Cha kẻ cơ bần, xin ngự đến, Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, Đấng an ủi tuyệt vời, khách trọ hiền lương của tâm hồn, vv.

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã giải thích vài ý nghĩa chính của mầu nhiệm Ngũ tuần của những biểu tượng được thánh Luca sử dụng trong sách Tông đồ công vụ: lửa, gió, trong bối cảnh của lễ kỷ niệm Giao ước Sinai của người Do thái. Giao ước mới không còn bị giới hạn vào một dân tộc riêng, nhưng mở rộng cho muôn dân. Trước đây, loài người do tính kiêu ngạo đã muốn xây cất tháp Babel và rồi gây chia rẽ, giờ đây Thánh Linh ban cho muôn dân được thông hiệp trong tình yêu, bất chấp ngôn ngữ đa dạng. Sau đây là nguyên văn bài giảng:

Trong ngày Ngũ tuần, Thánh Thần đã ngự xuống với quyền năng trên các thánh tông đồ; khởi đầu sứ mạng của Hội thánh trên thế giới. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã nhiều lần chuẩn bị cho các tông đồ vào sứ mạng này (x. Cv 1,3). Trước khi lên trời, Người đã truyền cho họ “không được rời Giêsuralem, nhưng hãy chờ đợi cho lời hứa của Chúa Cha được hoàn tất” (x. Cv 1,4-5); nói cách khác, Đức Giêsu đã yêu cầu họ hãy tụ họp lại để chuấn bị đón nhận hồng ân Thánh Thần. Và họ đã tụ họp lại cầu nguyện trong nhà Tiệc Ly cùng với Mẹ Maria đang khi chờ đợi biến cố đã được hứa ( x. Cv. 1,14).
Tụ họp lại là một điều kiện mà Chúa Giêsu đã đặt ra để đón nhận hồng ân Thánh Thần; một khung cảnh cần thiết để duy trì sự hoà hợp là việc cầu nguyện kiên trì. Như thế chúng ta thấy phác hoạ một bài học quý giá cho hết mọi cộng đoàn Kitô hữu. Lắm lần người ta nghĩ rằng hiệu năng truyền giáo tuỳ thuộc chính yếu vào việc soạn thảo kế họach kỹ lưỡng và thực hành khéo léo nhờ sự dấn thân cụ thể. Dĩ nhiên là Thiên Chúa đòi hỏi sự hợp tác của chúng ta, nhưng trước khi nảy ra sự đáp ứng của chúng ta, thì cần có sáng khởi của Chúa: chính Thánh Thần là nhân vật chủ động của Hội thánh. Cội rễ của bản chất và hoạt động của chúng ta nằm ở sự thinh lặng kỳ diệu và quan phòng của Thiên Chúa.
Những hình ảnh mà thánh Luca sử dụng để diễn tả Thánh Thần ập xuống – gió và lửa – nhắc lại quang cảnh trên núi Sinai, khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho cho dân Israel và ban giao ước cho họ (x. Xh 19,3 tt). Lễ Sinai, mà dân Israel mừng 50 ngày sau lễ Vượt qua, là lễ của Giao ước. Khi nói đến những lưỡi lửa (x. Cv 2,3), thánh Luca muốn trình bày lễ Ngũ Tuần như lễ Sinai mới, lễ của Giao ước mới, lúc Giao ước với Israel được mở rộng tới hết mọi dân tộc khắp điạ cầu. Ngay từ khi chào đời Hội thánh đã mang tính cách hoàn vũ và truyền giáo. Tính cách phổ quát của ơn cứu độ được bộc lộ qua việc liệt kê nhiều dân tộc đến nghe lời loan báo đầu tiên của các thánh tông đồ (x Cv 2,9-11)
Dân Thiên Chúa, được biểu thị lần đầu tiên trên núi Sinai, hôm nay được mở rộng ra đến mức độ không còn phân biệt biên cương hay chủng tộc, văn hoá, không gian và thời gian. Khác với điều đã xảy ra với tháp Babel (x. St 11,1-9), khi loài người muốn tự mình kiến tạo một con đường lên trời, và rồi tự tay mình huỷ diệt khả năng hiểu biết lẫn nhau; trái lại, vào lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần với ân huệ của các ngôn ngữ, cho thấy rằng sự hiện diện của Ngài có khả năng liên kết, và biến đổi sự hỗn độn thành sự thông hiệp. Sự kiêu căng và ích kỷ của con người gây ra những chia rẽ, dựng lên những bức tường của thờ ơ, thù ghét và bạo động. Ngược lại, Chúa Thánh Thần giúp cho các con tim hiểu biết ngôn ngữ của hết mọi người, ngõ hầu tái lập chiếc cầu thông thương giữa Đất với Trời. Chúa Thánh Thần là Tình yêu.
Làm thế nào để đi vào mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần, làm thế nào hiểu được bí quyết của Tình yêu? Bài Tin mừng hôm nay đưa chúng ta vào nhà Tiệc Ly, khi các thánh tông đồ buồn phiền vì nghe những lời của Chúa Giêsu. Người nói đến việc thế gian ghét bỏ Người và các môn đệ, về sự ra đi và nhiều điều khác mà lúc này họ chưa hiểu nổi (x. Ga 16,12). Để khích lệ họ, Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của việc ra đi: Người ra đi nhưng sẽ trở lại, và trong thời gian đó, Người không để cho họ phải mồ côi đâu. Người sẽ phái Đấng An ủi, Thần khí của Chúa Cha đến. Thánh Thần sẽ giúp cho biết rằng sự nghiệp của Đức Kitô là sự nghiệp của tình yêu: tình yêu của Đức Kitô khi tự hiến, tình yêu của Chúa Cha Đấng đã trao ban Người.
Đó là huyền nhiệm của lễ Ngũ tuần: Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con người, và nhờ mặc khải đức Kitô chịu chết trên thập giá và phục sinh, Thánh Thần chỉ cho thấy con đường để trở nên giống với Đức Kitô, nghĩa là trở nên “sự diễn tả và dụng cụ của tình yêu từ Người tuôn trào ra” (thông điệp Deus caritas est, số 33). Hôm nay, cũng như vào buổi khai sinh, Hội thánh tụ họp cùng với Mẹ Maria để khẩn nài: "Veni Sancte Spiritus! – Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến tâm hồn các tín hữu và làm cho họ cháy lửa yêu mến ngài. Amen.

Vào cuối Thánh lễ, ĐTC đã gửi lời chào bằng nhiều ngôn ngữ, dành cho đại biểu các hội đoàn và phong trào. Sau cùng, ngài đã xướng kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng và ban phép lành kết thúc.
 Binh Hoa







All the contents on this site are copyrighted ©.