2006-05-29 17:59:28

ĐỨC THÁNH CHA VIẾNG THĂM TRẠI TẬP TRUNG AUSCHWITZ


CRACOVIA. Chiều chúa nhật, 28-5-2006, sau khi đã cử hành thánh lễ ban sáng cho hơn 1 triệu tín hữu tại Cracovia, ĐTC Biển Đức 16 đã đến viếng thăm trại tập trung Auschwitz.

Auschwitz đã trở thành biểu tượng cuộc diệt chủng Do thái và biểu tưởng kinh hoàng, sự sụp đổ của nền văn minh và văn hóa Âu Châu hiện đại. Trại này hoạt động trong gần 5 năm trời, từ ngày 14-6 năm 1940 đến ngày 27-1 năm 1945. Trại gồm 3 phần: thứ nhất là Auschwitz I, gồm những khu nhà cũ của Ba Lan không còn được sử dụng nữa, thứ hai là trại Birkenau, cũng gọi là Auschwitz II, và khoảng 40 trại nhỏ khác, phụ thuộc, gần các công xưởng của Đức. Tại các nơi này, Đức quốc xã đã tiêu diệt hơn 1 triệu người Do thái Âu Châu, 150 ngàn người Ba Lan, trong đó có nhiều thành phần ưu tú của đất nước. Ngoài ra còn có 23 ngàn người du mục, 15 ngàn tù binh Liên Xô, và hàng chục ngàn người thuộc các quốc tịch khác. Trong số các vị tử đạo tại trại Auschwitz đặc biệt có thánh LM Massimiliano Kolbe, người Ba Lan (1894-1941) và thánh nữ Têrêsa Benedetta Thánh Giá, tục danh là Edith Stein (1891-1942), người Đức gốc Do thái, trở lại Công Giáo và gia nhập dòng kín Cát Minh.

Khi tới cổng trại, ĐTC đã xuống đi bộ một mình tiến qua cổng trại, đôi tay như chắp lại trong thái độ của người cầu nguyện và suy niệm. Khi tới khuôn viên trước Bức Tường Sự Chết, bức tường mà quân Đức thường xử bắn các tù nhân. Ngài cúi mình để tưởng niệm các nạn nhân và đặt một ngọn nến sáng trên bệ trước bức tường. Đứng cạnh tường có hơn 20 cựu tù nhân nam nữ sống sót chào đón ĐTC. Ngài lần lượt chào thăm, bắt tay từng người, rồi đến ký tên vào sổ vàng của viện bảo tàng, trước khi tới thăm căn hầm ở dưới khu trại 11 nơi thánh Massimiliano Kolbe bị bỏ đói 2 tuần lễ cho tới chết, khi thánh nhân tình nguyện chết thay cho một người cha gia
đình.

Trung tâm đối thoại và buổi cầu nguyện

 
Rời trại tập trung Auschwitz, ĐTC đã tới Trung tâm đối thoại và cầu nguyện cách đó 1 cây số. Đây là một cơ sở của Công Giáo, được thành lập do sáng kiến của một số vị Hồng Y và các tổ chức Do thái với mục đích tổ chức các cuộc gặp gỡ, giáo dục, thuyết trình, cầu nguyện, và suy tư về quan hệ giữa các tín hữu Kitô và Do thái sau cuộc diệt chủng ở Auschwitz.

Sau cùng, ĐTC đến trại Birkenau hay cũng gọi là Auschwitz III, để chủ sự buổi cầu nguyện cho các nạn nhân, trước đài tưởng niệm, có 22 tấm bia đá ghi những hàng chữ bằng 22 thứ tiếng.
Tiếp đến, ĐTC đã hoàn toàn dùng tiếng Ý để ngỏ lời với mọi người, và nói rằng:

”Lên tiếng tại nơi kinh hoàng này, nơi chồng chất những tội ác chống lại Thiên Chúa và chống lại con người chưa từng có trong lịch sử, hầu như là điều không thể được, và đặc biệt là khó khăn và đau lòng đối với một tín hữu Kitô, một Giáo Hoàng đến từ nước Đức. Tại một nơi như ở đây, lời nói không diễn tả hết ý, xét cho cùng, chỉ có thể có một sự im lặng ngỡ ngàng, một sự thinh lặng là một tiếng kêu trong tâm hồn gửi tới Thiên Chúa: Lạy Chúa, tại sao Chúa đã im lặng? Tại sao Chúa có thể dung thứ tất cả những điều này? Chính trong thái độ thinh lặng ấy, chúng ta cùi mình sâu thẳm trong tâm hồn trước hàng ngũ vô số những người đã chịu đau khổ và bị sát hại; nhưng sự thinh lặng này cũng trở thành một lời thỉnh cầu lớn tiếng xin tha thứ và hòa giải, một tiếng kêu lên Thiên Chúa Hằng Sống xin ngài đừng bao giờ cho một sự như thế xảy ra nữa.”

Tiếp tục bài diễn văn, ĐTC nhắc đến bao nhiêu câu hỏi được nêu lên về sự im lặng của Thiên Chúa, Thiên Chúa ở đâu trong những ngày ấy, làm sao Chú có thể để cho bao nhiêu tàn phá xảy ra và để cho sự ác chiến thắng như thế. Nhưng ngài kêu gọi mọi người đừng mặt mình làm kẻ xét xử Thiên Chúa à lịch sử. Ngài cũng tố giác những kẻ đang lạm dụng Danh Thiên Chúa để biện minh cho một thứ bạo lực mù quáng chống lại những người vô tội, đàng khác là thái độ sống chết mặc bay, chẳng biết Thiên Chúa và chế nhạo niềm tin nơi Chúa.

Trong phần cuối của bài diễn văn, ĐTC nhắc đến những bia đá bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Đặc biệt khi giải thích về tấm bia bằng tiếng Do thái, ĐTC nói: ”Những kẻ cầm quyền tại Đức quốc xã muốn đè bẹp toàn bộ dân tộc Do thái, loại tên của họ khỏi danh sách các dân tộc trên trái đất... Họ biết giết bỏ Thiên Chúa của Israel.. và với sự tàn phá Israel, họ muốn trước bỏ gốc rễ, dựa trên đó có đức tin Kitô, và vĩnh viễn thay thế bàng một niềm tin tự mình sáng tạo ra, một niềm tin nơi sự thống trị của con người, của kẻ mạnh.”

Cuộc viếng thăm của ĐTC tại Ba Lan, đặc biệt là trại tập trung Auschwitz, đã được báo chí Ba Lan và Đức đánh giá rất tích cực. Nhưng đó đây, trong các cộng đồng Do thái, cũng không thiếu những người lên tiếng cho rằng ĐTC đã không nhắc đến những điều mà họ nghĩ là phải nói đến: lên án trào lưu bài Do thái trước và sau cuộc diệt chủng. Một số người khác cho rằng lẽ ra ĐTC phải nhấn mạnh đến tội của dân tộc Đức, chứ không phải của nhóm cầm quyền. Một số khác than phiền vì ĐGH đã nhắc đến thánh nữ Edith Stein, người Do thái Đức trở lại Công giáo và bị sát hại tại Auschwitz mà Giáo Hội đã tôn làm hiển thánh.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.