2006-05-24 15:54:47

Lộ trình lòng tin bao gồm nhiều đau khổ và tình yêu, thử thách và trung thành.



Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 24-5-2006. Khai triển để tài giáo lý “Thánh Phêrô Tông Đồ”, đại ý ngài nói: ”Anh chị em thân mến, cũng giống như các môn đệ khác, thánh Phêrô làm quen với tư tưởng của Thầy mình một cách chậm chạp và không phải là không có khó khăn. Sau này trong hội đường Capharnaum, Đức Giêsu giải thích phép lạ hóa bánh ra nhiều như là việc trao ban chính mình Người: ”Bánh mà tôi sẽ cho chính là thịt Tôi cho thế gian được sống”. Đức Giêsu loan báo thập giá và với thập giá là bí tích Thánh Thể. Trước diễn văn này của Chúa nhiều môn đệ bỏ đi. Chúng ta cũng có thể tưởng tượng ra sự khó khăn mà thánh Phêrô cảm thấy, đặc biệt thánh nhân là người đã chống lại lời tiên báo thập gía của Chúa. Lòng quảng đại hăng hái của thánh nhân đã không che chở người khỏi các nguy hiểm của sự yếu đuối nhân loại, nhưng thánh nhân đã thắng vượt được thử thách của lòng tin. Người đã theo Chúa Giêsu với lòng sinh động và tín thác nơi Chúa. Tuy nhiên cũng tới lúc thánh nhân nhượng bộ sự sợ hãi và ngã qụy: người phản bội Thầy mình.

Trường học lòng tin không phải là một lộ trình chiến thắng, nhưng là con đường vương vãi nhiều đau khổ và tình yêu, thử thách và trung thành. Sau khi được Chúa mời gọi ba lần nói lên tình yêu với Chúa Kitô phục sinh, thánh Phêrô đạt sự tín thác nơi Chúa Giêsu, là Đấng đã tự thích nghi với khả năng yêu thương yếu đuối của Phêrô. Nhưng để đạt lòng tín thác đó, thánh nhân đã sống kinh nghiệm từ các hăng hái của sự gắn bó ban đầu, bước qua kinh nghiệm đớn đau của sự chối Thầy và tiếng khóc thống hối.

Trước đó Đức Thánh Cha đã duyệt xét con đường theo Chúa của các Tông Đồ: các vị đã lắng nghe lời Chúa, quan sát cung cách hành xử của Người và ca ngợi các điềm thiêng dấu lạ. Thánh Phêrô đã đặc biệt cảm thấy hứng khởi trước phép lạ hóa bánh ra nhiều. Biến cố bắt đầu với cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Philiphê và Anrê em của thánh Phêrô, người đã khiến cho Chúa Giêsu chú ý tới một thiếu niên có đem theo 5 chiếc bánh và hai con cá. 5 chiếc bánh và 2 con cá đó đã khiến cho dân chúng đói mệt vì đi theo nghe Chúa giảng, được no nê. Sau khi phân phát bánh cá Phêrô và các Tông Đồ đã vâng lệnh Chúa thu nhặt các miếng bánh vụn được 12 thúng đầy (Ga 6,12-13).

Tiếp đến khi dân chúng muốn tôn Người làm vua Đức Giêsu đã rút lui lên núi một mình. Hôm sau trong hội đường Capharnaum Chúa Giêsu đã giải thích phép lạ, không phải trong nghĩa vương quyền trên Israel theo kiểu dân chúng mong đợi, mà trong nghĩa trao ban chính mình để trở thành lương thực cho thế giới. Người loan báo thập giá và với thập giá là bánh Thánh Thể, kiểu làm vua tuyệt đối mới mẻ của Người.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định rằng tất cả những lời nói và cử chỉ đó của Chúa Giêsu thật là khó hiểu đối với dân chúng và các môn đệ. Lời Người nói khó nghe quá và thử thách lòng tin của dân chúng, kể cả các Tông Đồ và thánh Phêrô. Tại Cesarea Philiphê thánh Phêrô đã phản kháng lại lời loan báo thập giá. Nhưng trước câu Chúa Giêsu hỏi ”Các con cũng muốn bỏ đi hay sao?” thánh nhân đã phản ứng với sự hăng hái của con tim, do Chúa Thánh Thần hướng dẫn và trả lời: ”Lậy Chúa, chúng con sẽ đi theo ai? Chính Chúa có lời hằng sống. Chúng con đã tin và và biết rằng Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (x.Ga 6,66-69).

Ở đây cũng như ở Cesarea Philipphê các lời của thánh nhân bắt đầu việc tuyên xưng lòng tin của Giáo Hội nơi Chúa Kitô. Nhưng điều này không có nghĩa là thánh nhân đã hiểu tất cả chiều sâu trong mầu nhiệm của Chúa Kitô. Lòng tin của thánh nhân sẽ chỉ tràn đầy qua kinh nghiệm của các biến cố phục sinh, nhưng nó đã là một lòng tin rộng mở cho thực tại lớn hơn, đặc biệt là lòng tin vào một Ai đó, vào Chúa Kitô.

Sự hăng say quảng đại của thánh Phêrô không khiến cho thánh nhận tránh được các nguy cơ của sự yếu đuối: trong lúc sợ hãi Phêrô đã chối Chúa (x. Mc 14,66-72). Thánh nhân đã thề hứa tuyệt đối trung thành với Chúa nhưng đã nếm sự đắng cay nhục nhã của việc chối Thầy. Thánh nhân phải học biết mình không là gì cả! Khi chiếc mặt nạ rơi xuống, người hiểu biết sự thật của con tim yếu đuối của tín hữu tội lỗi và bật lên tiếng khóc thống hối giải thoát. Sau tiếng khóc đó Phêrô sẵn sàng cho sứ mệnh mà Chúa Giêsu sẽ trao phó cho người.

Thánh sử Gioan kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa Kitô phục sinh với thánh Phêrô và biến cố Chúa trao phó sứ mệnh cho thánh nhân vào một buổi sáng mùa xuân, khi Chúa hỏi Phêrô ba lần: ”Simon, con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15). Và Đức Thánh Cha giải thích sự khác biệt giữa động từ ”agapáo” và ”filéo” mà Chúa Giêsu dùng để hỏi thánh nhân như sau: ”Trong tiếng hy lạp động từ “filéô” diễn tả tình yêu bằng hữu, dịu hiền nhưng không đòi hỏi phải toàn vẹn, trong khi động từ ”agapáo” ám chỉ tình yêu không dè dặt, hoàn toàn và vô điều kiện. Lần đầu tiên Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô: ”Simon, agapâs-me?” Simon con có yêu Thầy không?” Trước khi sống kinh nghiệm phản bội chắc chắn thánh nhân đã trả lời: ”agapô-se” ”Con yêu mến Thầy”. Nhưng giờ đây, sau kinh nghiệm cay đắng buồn sầu của sự bất trung, thảm cảnh của sự yếu đuối của mình, thánh nhân nên chỉ thưa: ”Lậy Chúa con mến Chúa” ”filô-se”, có nghĩa là ”con yêu mến Chúa với tình yêu nghèo nàn của con”. Chúa Kitô hỏi tiếp: ”Simon, con có yêu mến Thầy không?”, và thánh Phêrô lập lại câu trả lời của tình yêu khiêm tốn ”Kyrie, filô-se” ”Lậy Chúa con mến Chúa như con biết mến Chúa”. Và lần thứ ba Chúa Giêsu nói với Simon: ”Fileis-me?” Con có mến Thầy không?”. Simon hiểu rằng tình yêu nghèo nàn, tình yêu duy nhất mà ông có thể có là đủ cho Chúa Giêsu rồi, nhưng ông buồn vì Chúa nói với mình ba lần như vậy. Vì thế nên ông trả lời: ”Lậy Chúa, Chúa biết hết mọi sự, Chúa biết con mến Chúa”. Có thể nói rằng Chúa Giêsu đã thích ứng với Phêrô hơn là Phêrô thích ứng với Chúa! Chính sự thích ứng ấy của Chúa đã trao ban hy vọng cho người môn đệ, đã biết nỗi đớn đau của sự bất trung. Từ đó nảy sinh ra sự tin tưởng khiến cho ông có thể theo Chúa tới cùng (Ga 21,19).

Từ ngày đó Phêrô đã theo Thầy mình với ý thức về sự giòn mỏng của mình, nhưng ý thức đó không khiến ông nản lòng. Thánh nhân biết mình có thể tin tưởng nơi sự hiện diện của Chúa Phục Sinh bên cạnh. Từ các hăng say ban đầu thánh nhân đã phải trải qua kinh nghiệm đớn đau của việc chối Chúa và khóc lóc ăn năn, để có được lòng tín thác nơi Chúa Giêsu là Đấng đã thích nghi với khả năng yêu thương nghèo nàn của thánh nhân. Đó đã là một con đường dài biến thánh nhân trở thành chứng nhân đáng tin cậy, vì luôn luôn rộng mở cho hoạt động của Thần Khí của Chúa Giêsu. Sau này khi về già và tới lúc sắp kết thúc cuộc đời với cuộc tử đạo, thánh nhân sẽ nói lên niềm vui đích thật kín múc từ Chúa Giêsu khi viết cho tín hữu: ”Tuy không thấy Người anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người” (1 Pr 1,8-9).

Đa số các đoàn hành hương tham dự buổi tiếp kIến đến từ nhiều giáo phận Italia và Đức. Đông nhất là đoàn hành hương 4000 tín hữu tổng giáp phận Bari nam Italia do Đức Cha Franceso Cacucci hướng dẫn. Tiếp đến là đoàn hành hương 1000 nhân viên bộ Lao Động và Chính trị Xã Hội Italia, và 500 tín hữu giáo phận Siena trung bắc Italia. Từ Đông Âu có 2000 tín hữu Ba Lan cũng như hàng trăm tín hữu các nước Ucraine, Bulgari, Hungari và Croat. Từ Á châu có các đoàn hành hương Ấn Độ, Nhật Bản và Phi Luật Tân. Từ Phi châu có đoàn hành hương Nam Phi. Từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Colombia, Cộng hòa Dominicana, Mehicô và Argentina.
Trong số các nhóm quốc tế có 138 Linh Mục sinh viên hai trường thánh Phaolo Tông Đồ và trường Truyền giáo Urbano, trong đó có nhiều Linh Mục Việt Nam; nhóm 100 nữ tu Salesien, nhóm 50 nữ tu dòng Nhà thương Thánh Tâm Chúa Giêsu, và nhóm nữ thừa sai Bác Ái.

LTK







All the contents on this site are copyrighted ©.