2006-05-23 13:48:12

ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN


Tôi quen với việc cầu nguyện ngay từ thưở còn thơ. Ngày bé tí teo tôi ngủ chung phòng với Cha Mẹ. Mỗi sáng thức giấc, tôi chứng kiến cảnh Ba Má đọc kinh chung. Đây là lúc duy nhất tôi trông thấy Ba đầu trần, không đội mũ. (Bởi lẽ người bị sói từ năm 30 tuổi). Tôi thấy cả Ba lẫn Má đều quì gối đọc kinh. Rồi hai vị hôn nhau, cũng còn quì dưới đất. Sau đó mọi người bắt tay vào việc.

Gia đình tôi sống nơi nông trại rộng lớn. Từ khi được phép ngồi vào bàn ăn gia đình, tôi cũng được tham dự buổi đọc kinh tối chung trong gia đình, với sự có mặt của Cha Mẹ, con cái và tất cả người làm công trong nông trại. Thế nhưng tôi chưa chú ý đủ đến việc cầu nguyện. Tôi lo ra nhìn theo ruồi muỗi hơn là lắng nghe lời kinh đang đọc với gia đình.

Lớn lên một chút tôi trở thành chú giúp lễ nơi nhà thờ xứ đạo. Lúc ấy tôi được khuyên phải ghé vào viếng nhà thờ, khi đến trường hoặc lúc từ trường trở về nhà. Nói tóm lại, tôi được dạy phải ghé vào nhà thờ viếng Chúa, mỗi khi có dịp đi ngang qua nhà thờ.

Thời niên thiếu tôi được diễm phúc trông thấy các Linh Mục cầu nguyện. Ơn gọi đan tu nẩy sinh khi tôi gặp một đan sĩ Biển Đức, thuộc đan viện Thánh Mẫu MARIA ”Pierre-qui-Vire” về thăm làng tôi.

Có người cần nơi thanh vắng hoặc tạo bầu không khí yên tĩnh, mới có thể cầu nguyện. Nhưng không nên quên rằng, sự im lặng nội tâm là điều kiện tiên quyết giúp kết hiệp với Chúa. Cầu nguyện không hẳn phải nói nhiều lời, phải đọc nhiều kinh. Điều quan trọng là hiện diện “lòng bên lòng” với Chúa. Tôi vẫn có thể kết hợp với Chúa lúc ở ngoài vườn hay khi làm bất cứ công việc nào. THIÊN CHÚA luôn luôn hiện diện và lắng nghe con người. Con người phải nhớ đến sự hiện diện của Chúa, nâng lòng lên cùng Chúa và bày tỏ tâm tình con thảo với THIÊN CHÚA là CHA Nhân Hậu.

Tôi là tu huynh Biển-Đức có nhiệm vụ trông coi nhà khách. Nhà khách Biển-Đức dành để tiếp rước ai muốn đến đan viện để tĩnh tâm một ngày, một tuần, hai tuần hoặc một tháng. Phụ trách nhà khách, tôi có dịp tiếp xúc với đủ hạng người. Kinh nghiệm cho tôi thấy:

- Mọi người giống nhau. Chúng ta có cùng trận chiến để sống đúng bổn phận làm người và sống cách chân thật, không giả trá!

Đức Chúa GIÊSU dạy phải cầu nguyện không ngừng. Và để đáp lại lệnh truyền, Giáo Hội khuyên dành thời giờ cho việc cầu nguyện. Ngoài ra, Giáo Hội cống hiến mẫu các lời kinh: THÁNH VỊNH. Tuy nhiên, kinh nguyện dọn sẵn không phải chiếc đũa thần, cũng không có tính cách máy móc. Với thời đại tân tiến, để mở một cánh cửa, chỉ cần bấm vào ”cái nút”. Nhưng liệu THIÊN CHÚA có đợi chờ lời-kinh dọn-sẵn để mở rộng lòng Ngài, mở rộng vòng tay Ngài, để trao ban ân phúc Ngài cho con người không? Hay THIÊN CHÚA đợi chờ cái gì khác chân thật hơn, sâu xa hơn và thành kính hơn, đến từ tấm lòng hiếu thảo của con cái loài người?

Giáo Hội Công Giáo cống hiến cho tín hữu mẫu kinh dọn sẵn, không phải để tín hữu lập lại cách vô ý thức, nhưng để tín hữu biến các lời kinh thành tâm tình đích thực bày tỏ cùng THIÊN CHÚA.

Đan viện Biển-Đức đề nghị với các nam tín hữu - tức với các ông thôi - thử trở thành đan sĩ trong vòng 5 ngày. Trong thời gian này, các ông chia sẻ với chúng tôi: kinh nguyện, học hỏi và lao động. Đan viện muốn mời các ông nếm hưởng nét hòa-điệu Biển-Đức, để rồi từ đó, rút ra gợi hứng cho cuộc sống vui tươi: sống đạo giữa đời!

Trên đây là chứng từ của Thầy Jean-Noel, đan viện Biển-Đức Chauveroche, nằm dưới chân rặng Vosges (Đông Pháp). Đan viện tọa lạc trong khung cảnh thiên nhiên vừa đẹp vừa trang nghiêm, thuận lợi cho cuộc sống chiêm niệm, lánh xa cảnh ồn ào náo nhiệt thế trần. Có thể nói, đan sĩ là chuyên viên đọc kinh cầu nguyện!
 
(”Annales d'Issoudun”, Janvier/2001, trang 10-12).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.