2006-05-18 18:01:31

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP 5 TÂN ĐẠI SỨ CẠNH TÒA THÁNH


VATICAN. Sáng 18-5-2006, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến chung 5 vị đại sứ cạnh Tòa Thánh đến từ các nước Tchad, Ấn Độ, Cap-Vert, Moldava và Úc. Ngài kêu gọi bênh vực tự do tôn giáo tại các nơi trên thế giới.

Trong diễn văn chung chào mừng các vị tân đại sứ, ĐTC khẳng định rằng: ”Điều quan trọng là, tại mọi nơi trên thế giới, mọi người có thể theo tôn giáo mình chọn lựa và thực hành tôn giáo ấy trong tự do và không chút sợ hãi, vì không ai có thể xây dựng cuộc sống của mình hoàn toàn trên sự tìm kiếm cuộc sống sung túc về vật chất mà thôi. Chấp nhận đường hướng thực hành ấy, về mặt cá nhân cũng như cộng đoàn, chắc chắn sẽ có những hậu quả ích lợi cho đời sống xã hội”.

ĐTC cũng kêu gọi mỗi người dấn thân cụ thể góp phần kiến tạo công ích, và không thể chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân và những người thân cận của mình mà thôi. Ngài nói: ”Trong thời đại hoàn cầu hóa, cần làm sao để việc quản lý đời sống chính trị không phải chỉ được hướng dẫn hoàn toàn bởi những lý lẽ thuộc phạm vi kinh tế, tìm kiếm lợi nhuận nhiều hơn, hoặc sự dụng bừa bãi các tài nguyên của trái đất để rồi gây hại cho dân chúng, nhất là cho dân chúng tại các nước kém may mắn, và làm thương tổn tương lai thế giới về lâu về dài”.

Ngoài bài diễn văn chung, ĐTC còn trao cho mỗi vị đại sứ một diễn văn riêng. Đặc biệt với đại sứ Ấn Độ, ngài nhắc đến những dấu hiệu bất bao dung về tôn giáo tại một số miền ở nước này, kể cả những toan tính đáng trách thiết lập những luật lệ kỳ thị, hạn chế tự do tôn giáo. Cần phải quyết liệt loại bỏ những luật lệ đó như là điều chẳng những trái ngược với hiến pháp Ấn độ, nhưng còn trái ngược với những lý tưởng cao cả nhất của các vị lập quốc Ấn độ. Họ vốn tin tưởng nơi một quốc gia sống chung hòa bình và có sự bao dung lẫn nhau giữa các nhóm tôn giáo và chủng tộc khác biệt”.

Với đại sứ của nước Úc, ĐTC nhận định rằng vẫn còn rất nhiều điều cần làm để giải quyết tình trạng đau thương của các thổ dân bản xứ. ”Tôi khuyến khích Ông Đại Sứ và chính phủ Úc tiếp tục quyết tâm và với lòng từ nhân góp phần giải quyết những nguyên nhân sâu xa gây nên trình trạng cơ cực của các thổ dân. Sự dấn thân cho sự thật mở đường cho sự hòa giải lâu bền qua tiến trình chữa lành, xin tha thứ và trao ban tha thứ, vốn là hai yếu tố không thể thiếu được để có hòa bình”. (SD 18-5-2006)

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.