2006-05-04 11:58:54

PHỤ NỮ ÂU CHÂU


Tháng 11 năm 1996, Hội nghị ”Phụ nữ và tương lai Âu châu” do Ủy ban Âu châu tổ chức diễn ra tại Vienne, thủ đô nước Áo. Hội nghị đồng thanh chọn bà Marit Paulsen, 57 tuổi, làm ”Phụ Nữ Âu Châu năm 1996”.

Bà là người Na-Uy nhưng sống tại Thụy-Điển. Bà có tất cả là 10 người con, 5 trai và 5 gái. Bà làm đủ thứ nghề: công nhân, nông dân và văn sĩ. Bà tự nhận phụ nữ với 85% máu thủ cựu và 15% máu trí thức. Và xác định thêm: ”Tiềm năng tinh thần của tôi lại đến từ con số 85% thủ cựu!” Xin nhường lời bà Marit Paulsen tự kể lại cuộc đời.

Một ngày, cháu Johan, con của con trai Hans-Petter - cảnh sát viên tại thủ đô Stockhom - nói với tôi:

- Nội à, nội giống như chiếc bánh ngọt nội làm vậy đó!

Câu nói ngây thơ của đứa cháu nội làm tôi suy nghĩ. Thì ra cậu bé có lý. Câu nói gói trọn ý nghĩa cuộc đời tôi. Đúng thế, tôi nhồi bột và nướng bánh cuộc đời tôi với đôi bàn tay của mình!

Trong số 10 người con gồm có con ruột, con nuôi và con giữ dùm. Nếu có ai hỏi: ”Đứa nào là con ruột và mấy đứa?” thì chồng tôi và tôi không trả lời. Bởi lẽ chúng tôi không bao giờ phân biệt giữa con nuôi và con ruột, hay con giữ dùm! Và con cái tỏ lòng ghi ơn về thái độ yêu thương đại đồng đó! Chúng tôi giải thích cho các con hiểu:

- Không cần phải là người khá nhất, chỉ cần biết vượt thắng chính mình.

Tôi chào đời tại Oslo, thủ đô Na Uy, vào năm 1939, đúng lúc thế chiến thứ hai bùng nổ. Tôi là con út của gia đình có 8 anh chị em. Khi tôi được 7 tháng thì thân phụ tôi tử nạn.

Thời đệ nhị thế chiến (1939-1945), Na Uy bị quân Đức chiếm đóng. Mẹ tôi ”dan-díu” với người lính Đức. Người anh 18 tuổi và người chị 19 tuổi của tôi gia nhập phong trào giới trẻ theo đức-quốc-xã. Khi hòa bình trở lại, gia đình chúng tôi phải trả giá cho tội phản bội này. Các anh chị tôi bị giam tù.

Tôi nhớ như in ngày đầu tiên cắp sách đến trường. Năm đó tôi 7 tuổi. Khi các trẻ khác đứng lên hát quốc ca, cô giáo đuổi tôi ra ngoài và nói:

- Mày không xứng đáng nghe hát quốc ca!

Kỷ niệm cay đắng thời thơ ấu hằn sâu trong trái tim bé nhỏ của tôi. Khi lập gia đình, tôi mong muốn có thật nhiều con để xóa bớt phần nào nỗi tủi-nhục tuổi thơ.

Năm lên 9, khi theo chương trình tiểu học, cứ một ngày tôi đi học, một ngày ở nhà làm việc. Sau khi đậu tiểu học, tôi phải nghỉ học đi làm. Tất cả những gì tôi tiếp thu sau đó, là do tôi tự học, y như chiếc bánh ngọt sản xuất tại nhà! Suốt thời niên thiếu, tôi làm công nhân cho hãng chế tạo hàng hóa. Năm 18 tuổi, tôi lập gia đình và có hai đứa con. Đây cũng là thời kỳ Na-Uy bị nạn thất nghiệp hoành hành. Gia đình tôi di dân sang lập nghiệp tại Thụy-Sĩ và sống ở đây cho đến năm tôi hơn 30 tuổi.

Năm 1972, tôi viết tác phẩm đầu tiên ”Bé Ida”, kể lại câu chuyện đau thương thời niên thiếu cuộc đời tôi. Năm sau, tôi tái hôn với một người mang tên Sture. Chúng tôi làm thành đôi vợ chồng ý hợp tâm đồng. Chúng tôi di chuyển về sống tại Stockhom, thủ đô Thụy Điển.

Lúc đó Thụy-Điển hô hào chiến dịch bỏ thành thị về miền quê sinh sống. Chúng tôi rời thủ đô, về làng mua đất và mở nông trại, sống nghề chăn nuôi, trồng trọt. Sản phẩm nông nghiệp của chúng tôi được mọi người chiếu cố, vì chúng tôi không dùng thức ăn và phân bón hóa học.

Đây là thời gian tuyệt hảo nhất cuộc đời tôi. Tôi dành trọn thời giờ cho 3 công việc: nội trợ, chăn nuôi và viết văn. Vào lúc 4 giờ sáng, khi chồng con còn an giấc điệp, tôi nhè-nhẹ kéo máy đánh chữ dấu dưới bàn ăn ở nhà bếp ra và bắt đầu viết truyện. Đến 6 giờ sáng, tôi cất máy đánh chữ và chuẩn bị dọn bữa ăn sáng cho gia đình. Sau đó tôi chăm sóc bò cừu dê. Tôi yêu thương súc vật, bởi lẽ, sau chồng con, thú vật gần gũi tôi và chúng cũng có tình cảm biểu lộ với người chăm sóc chúng ..

(”Famiglia Cristiana”, n.49, Dicembre/1996, trang 76-78)

 
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.