2006-04-26 14:04:40

Chúa Thánh Thần duy trì Truyền Thống, bảo đảm cho sự hiệp thông trong Giáo Hội và ơn cứu độ đại đồng


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 60.000 tín hữa và du khách hành hương sáng thứ tư 26-4-2006. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý ”Sự hiệp thông trong Giáo Hội và ơn cứu rỗi đại đồng”. Ngài nói: ”Anh chị em thân mến. Trong loạt bài giáo lý mới bắt đầu được ít lâu, chúng ta đã muốn tìm hiểu chương trình cứu độ nguyên thủy, để hiểu rõ hơn chỗ đứng của chúng ta trong sự hiệp thông của Giáo Hội. Sự hiệp thông giáo hội do Chúa Thánh Thần khơi dậy và nâng đỡ, được thừa tác tông đồ giữ gìn và thăng tiến, không chỉ trải dài trên tất cả mọi tín hữu của một thời điểm lịch sử, nhưng theo chứng từ của Tân Ước, nó cũng bao gồm mọi thời đại và mọi thế hệ nữa. Chúa Thánh Thần là Đấng bảo đảm cho sự hiện diện tích cực của mầu nhiệm cứu độ trong lịch sử, bảo đảm cho sự hiện thực của nó dọc dài các thế kỷ. Nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng Ủi An, kinh nghiệm của Chúa Phục Sinh, mà cộng đoàn tông đồ đã sống từ thời Giáo Hội khai sinh, cũng sẽ có thể được sống luôn mãi bởi các thế hệ kế tiếp, vì nó được thông truyền và hiện thực trong lòng tin, trong phụng vụ và sự hiệp thông của Dân Chúa đang trên đường lữ hành. Việc thông truyền các kho tàng cứu độ khiến cho cộng đoàn kitô hiện thực một cách thường hằng sự hiệp thông ban đầu trong sức mạnh của Thánh Thần, làm thành Truyền Thống tông đồ của Giáo Hội. Nó được gọi như thế, vì nảy sinh từ chứng tá của các Tông Đồ và cộng đoàn các môn đệ thời khai sinh, và đã được truyền lại dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong các tác phẩm của Tân Ước. Giáo Hội thường xuyên lấy đó làm điểm quy chiếu và coi đó như là nền tảng và điều lệ của mình qua sự tiếp nối không đứt quãng của chức thừa tác tông đồ.

Khi nhắc đến dân Israel thời sau hết Chúa Giêsu đã cố ý trải dài các hoa trái của ơn cứu độ trên toàn thế giới, được diễn tả ra qua thị kiến cuộc hành hương của các dân tộc hướng về Giêrusalem (x. Is 2,2-5). Thế rồi Chúa Phục Sinh công khai trao phó cho các Tông Đồ nhiệm vụ khiến cho các dân nước trở thành môn đệ Ngài (đ. Lc 6,13), bằng cách bảo đảm với các vị sự hiện diện của Ngài cho đến tận thế (x. Mt 28,19tt.). Ngoài ra, tính chất đại đồng của ơn cứu độ đòi hỏi phải liên tục cử hành lễ tưởng niệm phục sinh trong dòng lịch sử cho tới ngày Chúa Kitô trở lại trong vinh quang” (x. 1 Cr 11,26).

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC đưa ra câu hỏi sau đây: ”Vậy ai thực hiện sự hiện diện cứu độ của Chúa Giêsu qua trung gian chức thừa tác của các tông đồ, là các thủ lãnh của dân Israel thời cánh chung (x. Mt 19,28) và qua toàn cuộc sống của dân giao ước mới? Câu trả lời thật rõ ràng: đó là Chúa Thánh Thần. Sách Công Vụ, tiếp tục Phúc Âm của thánh Luca, giới thiệu sự hòa nhập sống động giữa Chúa Thánh Thần, các vị do Chúa Kitô sai đi và cộng đoàn được các vị quy tụ. Nhờ hoạt động của Đấng Ủi An các Tông Đồ và các người kế vị có thể thực hiện trong thời gian sứ mệnh Chúa Phục Sinh trao phó. ”Các con là chứng nhân về những điều này. Phần Thầy, Thầy sẽ gửi tới cho các con điều Cha Thầy đã hứa... (Lc 24,48tt.) ”Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần xuống trên các con và các con sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, trong toàn vùng Galilea và Samaria và cho tới tận cùng bờ cõi trái đất” (Cv 1,8). ”Về những sự kiện đó chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người” (Cv 5,32).

Như thế chính Chúa Thánh Thần, qua lễ nghi đặt tay và lời cầu nguyện của các Tông Đồ, thánh hiến và gửi các thừa sai mới ra đi rao giảng Tin Mừng (thí dụ Cv 13,3tt; 1 Tm 4,14). Trong khi một vài văn bản nói rằng thánh Phaolô thiết lập các trưởng lão trong các Giáo Hội (x. Cv 14,23), thì nơi khác khẳng định rằng Chúa Thánh Thần đặt các chủ chăn cho doàn chiên (Cv 20,28). Hoạt động của Chúa Thánh Thần và hoạt động của thánh Phaolô như thế hòa nhập với nhau. Trong các thời điểm của các quết định nghiêm trọng cho cuộc sống Giáo Hội, Chúa Thánh Thần hiện diện để hướng dẫn Giáo Hội: ”Chúng tôi đã quyết định, Chúa Thánh Thần và chúng tôi... ”Cv 15,28); Giáo Hội lớn lên và bước đi ”trong niềm kính sợ Chúa, và tràn đầy sự ủi an của Chúa Thánh Thần” (Cv 9,31). Đức Thánh Cha đã giải thích thêm kiểu hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội như sau: ”Việc thường hằng hiện đại hóa sự hiện diện tích cực của Chúa Giêsu trong dân Chúa, do hoạt động của Chúa Thánh Thần và được diễn tả ra trong Giáo Hội qua chức thừa tác tông đồ và sự hiệp thông huynh đệ đó, được gọi là Truyền Thống trong ý nghĩa thần học: nó không chỉ là việc đơn thuần thông truyền trên bình diện vật chất những gì các Tông Đồ đã ban cho Giáo hội ngày từ ban đầu, nhưng là sự hiện diện hữu hiệu của Chúa Giêsu, bị đóng đanh và sống lai, Đấng đồng hành và hướng dẫn cộng đoàn do Ngài quy tụ trong Chúa Thánh Thần.

Truyền Thống là sự hiệp thông của các tín hữu chung quanh các Chủ Chăn hợp pháp trong dòng lịch sử, một sự hiệp thông mà Chúa Thánh Thần dưỡng nuôi bằng các bảo đảm cho sự tiếp nối giữa kinh nghiêm lòng tin tông đồ, được sống trong cộng đoàn tiên khởi của các môn đệ và kinh nghiệm hiện nay trong Giáo Hội. Nói cách khác, Truyền Thống là sự tiếp nối có cơ cấu của Giáo Hội, Đền Thờ của Thiên Chúa Cha, được xây dựng trên nền tảng của các Tông Đồ và được hiệp nhất với nhau bởi tảng đá góc là Chúa Kitô, qua hoạt động trao ban sự sống của Chúa Thánh Thần: ”Như thế, anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã đươc xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2,19-22). Nhờ Truyền Thống, do chức thừa tác của các Tông Đồ và các người kế vị bảo đảm, nước sự sống vọt ra từ cạnh sườn Chúa Kitô và máu cứu độ của Người đến được với con người nam nữ thuộc mọi thời đại. Như thế, Truyền Thống là sự hiện diện thường hằng của Đấng Cứu Thế, đến để gặp gỡ chúng ta, cứu chuộc chúng ta và thánh hóa chúng ta trong Chúa Thánh Thần qua chức thừa tác của Giáo Hội, để làm vinh danh Thiên Chúa Cha”.

Đa số các tín hữu tham dự buổi tiếp kiến là người Italia và Đức. Đông nhất là đoàn 3.800 thành viên cộng đoàn truyền giáo Villaregia nhân kỷ niệm 25 năm thành lập; 1200 tín hữu tổng giáo phận Lanciano Ortona do ĐTGM Carlo Ghidelli hướng dẫn; 1000 học sinh các trường của giáo phận Frosinone, do ĐC Salvatore Boccacio hướng dẫn; Từ Pháp có 600 tín hữu tỉnh Montauban, 300 học sinh giáo phận Nimes.

Bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ có các đoàn hành hương Đông Âu như: 1.000 tín hữu Ba Lan và hàng trăm tín hữu các nước Lituani, Cộng hòa Tchèques, Slovac, Ucraine, Sloveni, Rumani và Bulgari. Từ Á châu có các nhóm hành hương Giordani, Hồng Kông, Indonesia, và Nhật Bản. Cũng có một nhóm 55 tín hữu Việt tham thuộc giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Tỉnh Toronto Canada. Từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Mehicô và Brasil. Từ nhiều nước Phi châu có nhóm các thừa sai.

LTK







All the contents on this site are copyrighted ©.