2006-04-16 16:52:19

Thánh lễ Phục sinh 2006


Trong tâm thức bình dân, có lẽ lễ trọng đại nhất trong năm là lễ Chúa Giáng Sinh, với niềm vui biểu lộ tràn ra cả ngoài đường phố. Tuy nhiên, đối với phụng vụ, lễ lớn nhất trong năm là lễ Chúa Phục sinh, cao điểm của công trình cứu chuộc. Thật vậy, như các giáo phụ đã phát biểu: “Con Thiên Chúa đã trở thành con người, ngõ hầu con người được trở thành con cái Chúa”. Mầu nhiệm này khởi sự từ cuộc Nhập Thể của Con Thiên Chúa, nhưng đạt tới cao điểm nhờ cuộc Phục sinh, khi mà con người có khả năng kết hiệp với Thiên Chúa, bởi vì tội lỗi và mọi sự đã bị tận diệt.

Năm ngoái, Đức Gioan Phaolô II không thể chủ toạ thánh lễ Phục sinh vì bệnh nặng. Năm nay, đức Beneđictô XVI đã tiếp nối tập tục của Lễ Phục sinh với việc cử hành Thánh lễ trên thềm đền thánh Phêrô và ban phép lành cho toàn thế giới Urbi et orbi . Đặc biệt, đây không chỉ là lần đầu tiên ngài cử hành lễ Phục sinh trong cương vị của vị kế nhiệm thánh Phêrô mà còn trùng hợp với ngày giáp năm sinh nhật. Nhiều điện văn từ khắp nơi đã được gửi về để chúc mừng ngài, và một ý chỉ trong lời nguyện giáo dân được dành cho để cầu xin cho cuộc đời của ngài được phong phú bởi sự bình an của Chúa Phục sinh, bởi những ơn an ủi của Thánh Linh, và sự phấn khởi của những ngày làm việc và yên tĩnh.

Kể từ năm thánh 2000, mở đầu thánh lễ là một nghi thức gặp gỡ giữa Chúa Phục sinh với thánh Phêrô. Đề tài này dựa theo các đọan Tin mừng của Luca (Lc 24,12.34) và của Gioan (20,3-14): ông Phêrô đã chạy tới mồ và Chúa đã hiện ra với ông. Thánh Phêrô mang sứ mạng loan tin mừng Chúa sống lại cho tòan thế giới. Nghi thức diễn ra cách đơn giản. Sau khi ĐTC tới bàn thờ, hai phó tế mở khảm đựng bức icôn vẽ dung nhan của Đức Kitô, và công bố: “Chúa đã sống lại, Chúa đã hiện ra với ông Simon ”, xen vào những đọan ca Alleluia . Tiếp đó là với nghi thức rảy nước thánh để nhớ lại bí tích thánh tẩy, và phụng vụ Lời Chúa. Cũng như từ 21 năm qua, khu vực chung quanh bàn thờ trên thềm tiền đường thánh Phêrô biến thành một hoa viên nhân tạo, nhờ tài trang trí của hiệp hội các nhà trồng hoa bên Hòa lan, với sự xếp đặt 30 ngàn cánh hoa đủ lọai và 30 ngàn cây cảnh dọc theo bàn thờ và con đường rước kiệu từ đền thờ và các bậc cấp. Bầu trời nắng đẹp, với các tín hữu thuộc nhiều dân tộc trong các bộ y phục cổ truyền tạo nên quang cảnh ngọan mục. Tính cách phổ thế của Giáo hội được nêu bật qua nhiều sắc thái khác nữa. Bài đọc thứ nhất được tuyên đọc bằng tiếng Tây-ban-nha, bài đọc hai bằng tiếng Anh, các ý chỉ lời nguyện được xướng bằng tiếng Hy-lạp, Pháp, A-rap, Hoa, Đức, Bồ-đào nha, và đặc biệt là các lời chúc mừng bằng 62 ngôn ngữ trước khi ban phép lành.

Chủ đề của sứ điệp Phục sinh năm nay dựa trên lời thiên sứ nói với các phụ nữ đến viếng thăm mồ: “Đức Kitô không còn ở đây nữa, Người đã sống lại rồi”. Lời trấn an của thiên sứ trở nên tia sáng hy vọng cho nhân loại ở mọi nơi mọi thời. Biến cố Chúa Phục sinh vẫn còn hiện thực cho thời đại chúng ta, sống giữa bao cảnh ngơ ngác sợ hãi. Đặc biệt, trong phần cuối của sứ điệp, Đức Thánh Cha đã cầu mong hoà bình có vài miền bất ổn trên thế giới: Phi châu, Trung đông, Mỹ châu latinh. Sau đây là nguyên văn sứ điệp.

Anh chị em thân mến
Christus resurrexit! Chúa Kitô đã sống lại!

Đêm canh thức đã cho chúng ta sống lại biến cố Chúa Phục sinh, một biến cố trọng đại và luôn hiện thực, mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Vô vàn cây nến đã được thắp lên trong các thánh đường để tượng trưng cho ánh sáng của Chúa Kitô đã và đang chiếu sáng nhân loại, ánh sáng chiến thắng bóng tối của tội lỗi và sự dữ. Và ngày hôm nay vẫn còn vang lên mạnh mẽ những lời đã gây ngỡ ngàng cho các phụ nữ đến mồ vào buổi sáng ngày nhất sau ngày sabat, để viếng thăm thi hài của đức Kitô, được vội vàng gỡ khỏi thập giá và mai táng. Lòng đang buồn rầu vì mất Thầy, họ thấy hòn đá khổng lồ đã bị lăn sang một bên, và bước vào bên trong họ nhận thấy rằng xác của Thầy không còn nữa. Đang lúc còn nghi nan bàng hoàng, thì hai người mặc áo chói ngời đã gây sửng sốt khi nghe nói : “Tại sao các bà lại đi tìm một kẻ đang sống ở nơi những người chết ? Người không còn ở đây. Người đã sống lại” (Lc 24,6).

Từ buổi sáng hôm ấy, những lời đó không ngừng vang lên khắp vũ trụ, như là lời loan báo hân hoan, trải qua các thế kỷ lời đó vẫn không thay đổi, và đồng thời, chất chứa muôn vàn âm hưởng.“Người không còn ở đây... Người đã sống lại”. Trước hết, các thiên sứ loan báo rằng Chúa Giêsu “không còn ở đây”. Con Thiên Chúa không còn ở trong ngôi mộ, bởi vì Người không thể bị tử thần kìm hãm (xc Cv 2,24) và ngôi mộ không tài nào giam giữ “Đấng Hằng sống” (Kh 2,24), nguồn mạch của sự sống. Cũng như ông Giona ở trong bụng con cá như thế nào, thì Đức Kitô chịu đóng đinh cũng bị nuốt trong lòng đất như vậy (xc Mt 12,40) trong vòng ngày sabat. Ngày sabat năm ấy thực là trọng đại, như thánh Gioan tông đồ đã viết (19,31): ngày sabat trọng thể nhất trong lịch sử, bởi vì hôm ấy Đấng làm chủ ngày sabát (Mt 12,8) đã hoàn tất công cuộc tạo dựng (xc St 2,1-4a), nâng con người và toàn thể vũ trụ lên điạ vị tự do của con cái Chúa (xc Rm 8,21). Khi đã chu toàn công trình tuyệt diệu đó, cái xác vô hồn đã được thần khí sự sống của Chúa đột nhập và sau khi đã phá vỡ cửa ngôi mộ, Người đã chỗi dậy hiển vinh. Vì thê các thiên sứ đã loan báo “Người không còn ở đây”, không thể nào tìm thấy ở trong mồ nữa. Người đã sống lữ hành ở thế giới của con người, đã kết liễu con đường ở ngôi mộ cũng như tất cả mọi người, nhưng Người đã thắng sự chết và với một cách thức hoàn toàn mới mẻ, Người đã mở tung trái đất ra và mở toang nó hướng về trời.


Nhờ bí tích Thánh Tẩy tháp nhập chúng ta vào với Chúa Kitô, sự phục sinh của Người trở thành sự phục sinh của chúng ta. Ngôn sứ Edekiel đã loan báo trước đó: “Này đây, ta sẽ mở cửa mồ của các ngươi, ta đưa các ngươi ra khỏi huyệt, ôi dân của ta, và ta sẽ dẫn đưa các người về đất Israel” (Ed 37,12). Những lời tiên tri đó mang một giá trị đặc biệt trong ngày lễ Phục sinh, bởi vì hôm nay lời hứa của Chúa Tạo Thành được hoàn tất: kể cả vào thời đại của chúng ta chất đầy lo lắng và nghi nan, chúng ta sống lại biến cố Phục sinh đã làm thay đổi khuôn mặt của đời ta, đã làm thay đổi lịch sử nhân loại. Biết bao nhiêu người bị đè bẹp dưới xiềng xích của đau khổ và chết chóc đang chờ đợi niềm hy vọng từ Đức Kitô phục sinh, tuy rằng có lẽ họ không nhận biết điều đó.Nguyện xin Thần khí Chúa Phục sinh mang lại sự nâng đỡ và an ninh đến châu Phi, đến các dân tộc ở Dafur, đang sống trong thảm trạng hầu như tuyệt vọng; đến các dân tộc vùng Đại Hồ, nơi mà nhiều vết thương vẫn chưa được hàn gắn; đến các dân tộc châu Phi đang khao khát sự hoà giải, công bình, tiến bộ. Mong sao cho hoà bình được thiết lập tại Irak, nơi mà vũ lực tiếp tục cướp mất nhiều mạng sống. Tôi thành thực cầu chúc hoà bình cho những kẻ có liên hệ tới đến các cuộc xung đột bên Thánh điạ, mời gọi tất cả hãy biết đối thoại cách nhẫn nại và kiên trì, loại trừ những chướng ngại cũ và mới, tránh cơn cám dỗ sử dụng sự trả đũa, và biết giáo dục các thế hệ mới hãy biết tôn trọng lẫn nhau. Cộng đoàn quốc tế đã khẳng định quyền của Israel được hiện hữu trong hoà bình, thì xin cũng hãy giúp đỡ dân tộc Palestine vượt qua tình trạng sinh sống bấp bênh, và kiến thiết tương lai, tiến tới việc thành lập một quốc gia thực sự. Nguyện xin Thần khí của Chúa Phục sinh gợi lên một sự năng động mới nơi các dân tộc Mỹ châu latinh, ngõ hầu điều kiện sinh sống của hàng triệu con người được cải tiến, củng cố các thể chế dân chủ, trong tinh thần hoà hợp và liên đới thực sự. Về cơn khủng hoảng quốc tế dính líu tới hạt nhân, ước mong sao cho các phe phái gặp gỡ nhau qua các cuộc đàm phán nghiêm túc và thẳng thắn. Nguyện xin các nhà hữu trách của các quốc gia và cơ quan quốc tế được củng cố ý muốn thực hiện sự sống chung hoà bình giữa các sắc tộc, văn hoá, tôn giáo, đẩy lui hiểm hoạ khủng bố.Nguyện xin Chúa Phục sinh ban cho khắp nơi được hưởng sức mạnh của sự sống, hoà bình và tự do. Những lời mà thiên sứ trấn an các phụ nữ vào buổi sáng Phục sinh vẫn còn hướng đến tất cả chúng ta hôm nay: “Đừng sợ... Người không còn đây nữa. Người đã sống lại rồi” (Mt 28,5-6). Chúa Giêsu đã sống lại và ban cho chúng ta bình an. Người chính là sự bình an. Vì thế Giáo hội mạnh mẽ lặp lại: “Chúa Kitô đã sống lại” - Christos anesti . Nhân loại của ngàn năm thứ ba đừng sợ mở cửa trái tim cho Người. Phúc âm của Người làm đầy trái tim con người đang khát khao hoà bình và hạnh phúc. Chúa Kitô hiện đang sống và đồng hành với chúng ta. Oi mầu nhiệm vô biên của tình thương. Christus resurrexit, quia Deus caritas est. Alleluia

Sứ điệp Phục sinh của Đức Thánh Cha được 102 đài truyền hình đến 65 quốc gia trực tiếp truyền đi. Sau bài sứ điệp là các lời chúc mừng với 62 ngôn ngữ khác nhau (mở đầu là tiếng Ý, rồi các ngôn ngữ châu Au, châu Á, và kết thúc với tiếng esperanto và latinh).Phụng vụ mừng lễ Chúa Phục sinh kết thúc với phép lành ban ơn Tòan xá Urbi et Orbi , cho thành phố Rôma và cho tòan thế giới.
 Bình Hòa







All the contents on this site are copyrighted ©.