2006-04-06 15:17:34

Sự hiệp thông và nguy cơ chia rẽ trong Giáo Hội


Giáo Hội là một cộng đoàn hiệp thông nhưng cũng gặp nguy cơ của sự chia rẽ và đánh mất niềm tin. Đức Thánh Cha Biển Đức đã khẳng định như trên trong buối tiếp kiến gần 40.000 tín hữu và du khách năm châu tham dự buổi gặp gỡ sáng thứ tư 5-4-2006 tại quảng trường thánh Phêrô. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói buông: Trong loạt bài giáo lý mới bắt đầu, chúng ta đã muốn tìm hiểu nguồn gốc của Giáo Hội, để hiểu biết chương trình ban đầu trong Giáo Hội khai sinh, và như thế hiểu đươc bản chất của Giáo Hội trong các thời đại khác nhau; đồng thời cũng là để hiểu tại sao chúng ta hiện diện trong Giáo Hội và chúng ta phải sống sự hiện diện đó như thế nào. Khi duyệt xét Giáo Hội thời khai sinh, chúng ta có thể nhận ra hai khía cạnh. Một khía cạnh được thánh Ireneo thành Lyon nêu bật. Thánh nhân là thần học gia đầu tiên đã để lại cho chúng ta một loại thần học hệ thống. Ngài viết: ”Ở đâu có Giáo Hội, ở đó cũng có Thần Khí của Thiên Chúa: và ở đâu có Thần Khí của Thiên Chúa, ở đó có Giáo Hội và mọi thánh sủng; bởi vì Thần Khí là sự thật” (Adversus haereses, III, 24,I: PG VII,966).

Như thế Chúa Thánh Thần, Đấng đổ tràn tình yêu Thiên Chúa trong con tim chúng ta là suối nguồn của sự hiệp thông giữa các môn đệ với nhau và với Thiên Chúa (x. Rm 5,5). Mối dây gắn bó mật thiết đó với Thần Khí không hủy bỏ bản chất nhân loại của chúng ta với tất cả sự yếu đuối của nó và như thế cộng đoàn các môn đệ biết rõ sự thử thách nảy sinh từ các xung khắc liên quan tới sự thật lòng tin, với hậu qủa là sự hiệp thông bị xé rách. Cũng như sự hiệp thông hiện hữu ngay từ ban đầu (x. 1 Ga 1,1 tt.), ngay từ ban đầu sự chia rẽ cũng len lỏi vào trong cộng đoàn giáo hội (1 Ga 2,19). Nguy cơ đánh mất lòng tin trầm trọng biết bao! Ai tin vào Giáo Hội của tình yêu thương và muốn sống trong Giáo Hội đều có bổn phận chính xác cắt đứt liên lạc với người xa rời giáo lý cứu độ (x. 2 Ga 9-11).

Khía cạnh thứ hai trong Giáo Hội thời khai sinh được thư thứ I của thánh Gioan cho thấy rõ ràng. Đó là sự kiện Giáo Hội ý thức được các căng thẳng có thể xảy ra trong kinh nghiệm của sự hiệp thông. Trong Tân Ước không có tiếng nói nào đã được gióng lên một cách mạnh mẽ và cho thấy một cách hiển nhiên thực tại và bổn phận của tình yêu thương huynh đệ giữa các kitô hữu như thế. Nhưng tiếng nói đó cũng nghiêm khắc hướng tới những người đã từng là thành phần của Giáo Hội, nhưng giờ đây không còn ở trong Giáo Hội nữa và thù nghịch với Giáo Hội. Giáo Hội của tình yêu thương cũng là Giáo Hội của chân lý, được hiểu trước hết như là sự trung thành với Tin Mừng mà Chúa đã trao phó cho các môn đệ Người. Tình huynh đệ kitô nảy sinh từ thực tại được Thánh Thần chân lý làm cho trở nên con cái của cùng Thiên Chúa Cha: ” Qủa vậy phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14). Nhưng để sống trong sự hiệp nhất và hòa bình, gia đình của con cái Thiên Chúa cần có người giữ gìn nó trong sự thật và hướng dẫn nó với sự phân định khôn ngoan: và đó là điều được sứ vụ thừa tác của các Tông Đồ thi hành.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC trích dẫn phần tóm gọn đầu tiên trong chương 2 sách Công Vụ trình bầy sự đồng quy của các giá trị này trong cuộc sống Giáo Hội thời khai sinh như sau: ”Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dậy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Giáo Hội nảy sinh từ lòng tin được khơi dậy bởi lời giảng dậy của các Tông Đồ, được nuôi dưỡng bằng việc bẻ bánh và các lời cầu nguyện, và được diễn tả ra trong tình yêu thương huynh đệ và việc phục vụ. Chúng ta đang đứng trước việc miêu tả cộng đoàn Giáo Hội thời khai sinh, trong sự phong phú của các năng động nội tại và của các kiểu diễn tả hữu hình bề ngoài: ơn hiệp thông được đặc biệt giữ gìn và thăng tiến bởi chức thừa tác tông đồ, là ơn được ban cho toàn cộng đoàn”.

Và từ đó ĐTC rút tỉa ra kết luận sau đây: ”Như thế các Tông Đồ và các người kế vị là những người giữ gìn và là các chứng nhân uy tín của kho tàng chân lý được Chúa Giêsu trao phó cho Giáo Hội, cũng như các vị là các thừa tác viên của tình bác ái do Chúa Giêsu mặc khải và trao ban cho Giáo Hội. Trong nghĩa đó, chức thừa tác của các vị là một việc phục vụ tình yêu thương: và tình yêu thương mà các vị sống và thăng tiến không thể tách rời khỏi sự thật mà các vị giữ gìn và thông truyền cho tín hữu. Sự thật và tình yêu thương là hai gương mặt của cùng một ơn phát xuất từ Thiên Chúa và nhờ chức thừa tác tông đồ, nó được giữ gìn trong Giáo Hội và được thông truyền cho tới chúng ta ngày nay. Cả qua việc phục vụ của các Tông Đồ và các người kế vị tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đạt tới chúng ta để thông truyền cho chúng ta sự thật khiến cho chúng ta được tự do” (x. Ga 8,32).

Đa số tín hữu tham dự buổi tiếp kiến đến từ các giáo phận Italia và Đức. Nhiều đoàn hành hương do chính các Giám Mục giáo phận hướng dẫn. Ba nhóm tín hữu Ý đông nhất là 1000 người thuộc hội câm điếc Italia, 1000 người thuộc hiệp hội nha sĩ công giáo Italia, và 1000 học sinh trường Lucio Bonucci tỉnh Ponte Felcino. Trong khi từ Đức có đoàn 550 tín hữu thành phố Deggendorf và đoàn 530 tín hữu Twistringen. Từ Đông Âu có 1500 tín hữu Ba Lan và các nhóm Lituani, Hungari và Croat. Cũng có phái đoàn 56 giáo dân Việt Nam Hoa Kỳ tham dự tuần tu đức giáo dân lần thứ V, do Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo, Giám đốc Trung Tâm Linh Hoạt Truyền Giáo Roma tổ chức.

Chào các đoàn hành hương Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người nhớ rằng ngày mai mùng 7 tháng 4 Giáo Hội Tây Ban Nha cử hành 500 năm ngày sinh của Thánh Phanxicô Xavie. Thánh nhân là nhà truyền giáo lớn dòng Tên đã rao giảng Tin Mừng tại Á châu và mở nhiều cánh cửa tâm lòng cho Chúa Kitô. Đức Thánh Cha xin Chúa ban nhiều ơn lành cho Giáo Hội trong dịp kỷ niệm này. Chào các tín hữu Hungari và Lituani, ngài xin tất cả cùng cầu nguyện, để Chúa ban ơn hoán cải đích thật cho từng người trong mùa Chay này, và để các lời cầu ấy giúp hiểu biết tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại một cách sâu đậm hơn.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha xin mọi người dấn bước trên con đường thiêng liêng mùa chay dẫn tới lễ Phục Sinh. Ngài nhắn nhủ các bạn trẻ gia tăng việc làm chứng cho tình yêu trung thành với Chúa Kitô chịu đóng đanh; khuyến khích các anh chị em đau yếu nhìn lên Thập Giá Chúa để can đảm dâng cho Chúa sự thử thách của bệnh tật; và xin các cặp vợ chồng mới cưới để cho tình yêu của Thiên Chúa tô đậm hôn nhân của họ.

LTK







All the contents on this site are copyrighted ©.