2006-03-22 14:44:45

GIÁO HỘI ĐƯỢC XÂY TRÊN CHỨNG TÁ VÀ KINH NGHIỆM GĂP GỠ CỦA CÁC TÔNG ĐỒ VỚI CHÚA KITÔ


Trong buổi tiếp hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 22-3-2006, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định rằng Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng chứng tá và kinh nghiệm gặp gỡ của các Tông Đồ với Chúa Giêsu Kitô.

Khai triển đề tài giáo lý ”Các Tông Đồ, chứng nhân và là những người được Chúa Kitô sai đi”, Đức Thánh Cha nhắc đến các văn bản Tân Ước gới thiệu Giáo Hội như là một ngôi nhà được xây trên ”nền móng các tông đồ và các ngôn sứ, có đá góc tường là chính Chúa Kitô Giêsu” (Ep 2,29), hay như Kinh Thành Giêrusalem thiên quốc, có tường ”xây trên mười hai nền móng, trên đó có viết 12 tên các tông đồ của Chiên Con” (Kh 21,14). Các Phúc Âm đều thuật lại rằng ơn gọi của các Tông Đồ ghi dấu các bước đầu tiên trong chức thừa tác của Chúa Giêsu, sau khi Ngài lãnh nhận phép rửa từ tay Gioan Tẩy Giả trong nước sông Giordan.

Theo trình thuật của thánh sử Mạccô (1,16-20) và thánh sử Mátthêu (4,18-22), hồ Galilea là khung cảnh ơn gọi các Tông Đồ đầu tiên. Sau khi rao giảng Nước Thiên Chúa được ít lâu, Chúa Giêsu gọi hai cặp anh em Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan. Họ là các người đánh cá, đang chăm chú với công việc thường ngày: thả lưới đánh cá và vá lưới. Nhưng một vụ đánh cá khác chờ đợi họ: từ nay họ sẽ trở thành các kẻ chài lưới người (x Mc 1,17; Mt 4,19). Trình thuật của thánh sử Luca cho thấy lộ trình lòng tin của các môn đệ đầu tiên, bằng cách xác định rằng lời mời gọi theo Chúa đến với các vị sau khi họ nghe bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu và sống kinh nghiệm các dấu chỉ kỳ diệu đầu tiên do Chúa làm. Đặc biệt phép lạ mẻ cá đầy tạo ra khung cảnh trực tiếp và cống hiến cho các vị biểu tượng sứ mệnh là các kẻ chài lưới người, mà Chúa trao phó cho các vị. Số phận của các người ”được gọi” này, từ nay trở đi, sẽ gắn liền với số phận của Chúa Giêsu. Tông đồ là người được gửi đi, nhưng trước đó nữa họ là một ”chuyên viên” về Chúa Giêsu.

Chính khía cạnh này đã được thánh sử Gioan nêu bật trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với các Tông Đồ tương lai. Cuộc gặp gỡ xảy ra bên bờ sông Giordan. Cũng giống Chúa Giêsu họ đến từ Galilea để sống kinh nghiệm phép rửa do thánh Gioan ban. Sự hiện diện của họ cho thấy thế giới tinh thần của họ. Họ là những người chờ đợi Nước Thiên Chúa đến, ho ước mong biết Đấng Cứu Thế, đã được báo trước là sắp đến. Chỉ cần một cử điệu của thánh Gioan chỉ cho họ thấy Đức Giêsu là Chiên Con Thiên Chúa (x. Ga 1,36), là đủ để khơi dậy nơi họ ước muốn một cuộc gặp gỡ cá nhân riêng tư với Chúa. Các lời đối thoại giữa Chúa Giêsu với hai Tông Đồ tương lai rất là ý nghĩa. Các ông trả lời câu hỏi của Chúa ”Các anh tìm gì?”, bằng một câu hỏi khác: ”Lậy thầy, thầy ở đâu?” Câu trả lời của Chúa Giêsu là một lời mời: ”Hãy đến mà xem” (x. Ga 1,38-39).

Tiếp đến ĐTC giải thích điểm này như sau: ”Cuộc mạo hiểm của các Tông Đồ bắt đầu như thế, bắt đầu như là một cuộc gặp gỡ giữa những con người rộng mở cho nhau. Các môn đệ bắt đầu hiểu biết vị Thầy một cách trực tiếp. Thật thế, họ họ sẽ không phải chỉ là những người loan báo một tư tưởng, mà là chứng nhân của một người. Trước khi được sai đi rao giảng Tin Mừng, họ sẽ phải ”ở” với Chúa Giêsu (x. Mc 3,14), bằng cách thiết lập với Ngài một tương quan cá nhân. Dựa trên đó việc rao giảng Tin Mừng sẽ chỉ là một việc loan báo điều đã sống và là một lời mời gọi bước vào trong mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Kitô (x. 1 Ga 13).

Thế các Tông Đồ sẽ được gưi tới cho ai? Trong Phúc Âm Chúa Giêsu xem ra thu hẹp sứ mệnh của Ngài cho nhà Israel mà thôi: ”Ta chỉ được gửi tới cho các chiên lạc nhà Israel” (Mt 15,24). Cũng thế xem ra Ngài hạn hẹp sứ mệnh trao pho cho Nhóm Mười Hai: ”Nhóm Mười Hai đó Chúa Giêsu sai họ ra đi sau khi đã chỉ thị cho họ rằng: ”Các con đừng đến giữa dân ngoại cũng đừng vào các thành của người Samaria; nhưng tốt hơn hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel” (Mt 10,7). Một vài lập trường phê bình thuộc khuynh hướng duy lý ngày nay coi các kiểu diễn tả trên của Chúa Giêsu là thiếu ý thức đại đồng. Thật ra chúng phải được hiểu dưới ánh sáng tương quan của Chúa Giêsu với dân Israel, là cộng đoàn của giao ước. Theo sự chờ mong cứu thế các lời Thiên Chúa hứa giỡ đây đã tới lúc hiện thực, khi chính Thiên Chúa qua Đấng Ngài sai đến, quy tụ dân Ngài như muc tử quy tụ đàn chiên: ”Ta sẽ cứu thoát các chiên của Ta để chúng sẽ không còn bị cắn xé... Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng, đó là Đavít tôi tớ của Ta. Chính nó sẽ chăn dắt chúng và dẫn chúng đến đồng cỏ và sẽ là mục tử của chúng. Ta là Chúa, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và Đavít tôi tớ Ta sẽ là ông hoàng ở giữa chúng” (Ed 34, 22-24). Chúa Giêsu là mục tử cánh chung, Đấng quy tụ các chiên đã lạc mất của nhà Israel và đi tìm chúng, vì Ngài biết chúng và yêu thương chúng” (x. Lc 15,4-7; Mt 18,12-14; Ga 10,11 tt.).

ĐTC đã kết luận bài huấn dụ như sau: ”Như thế, Nhóm Mười Hai được chấp nhận tham dự vào chính sứ mệnh của Chúa Giêsu, cộng tác với Mục Tử của thời sau hết, trước hết bằng cách đi đến với các con chiên lạc của nhà Israel, nghĩa là rao giảng cho dân của lời hứa, và việc quy tụ họ là dấu chỉ của ơn cứu đo cho tất cả mọi dân tộc. Hoạt động cứu thế của Đức Giêsu thành Nagiarét không phải không mang chiều kích rộng mở đại đồng, nhưng việc thu hẹp sứ mệnh ban đầu của Ngài và của các tông đồ vào dân Israel, trở thành dấu chỉ ngôn sứ hữu hiệu hơn. Sau cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Chúa Kitô dấu chỉ đó sẽ rõ ràng hơn nữa: tính cách đại đồng của sứ mệnh các Tông Đồ sẽ trở thành công khai. Chúa Kitô sẽ sai các Tông Đồ ra ”đi khắp thế giới” (Mc 16,15) đến với ”tất cả mọi dân nước” (Mt 28,19; Lc 24,47), ”cho tới tận cùng bờ cõi trái đất” (Cv 1,8)

Đa số các tín hữu đến từ nhiều giáo phận Italia và Đức. Từ Italia có 116 nhóm chính thức ghi danh, trong khi từ Đức có 82 nhóm chính thức ghi danh. Bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ có các đoàn hành hương đến từ Đông Âu như Ba Lan, Liên Bang Nga và Cộng hòa Tchèques. Từ Á châu có các đoàn hành hương Nhật Bản và Nam Hàn. Trong khi từ Mỹ châu Latinh có các nhóm hành hương Mehicô và Colombia. Trong số các Hồng Y hiện diện và lên bắt tay chào ĐTC cũng có Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn Tổng Giám Mục giáo phận Sai Gòn.

Chào các đoàn hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cầu chúc chuyến hành hương viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và hành hương Roma đem lại cho họ nhiều lợi ích thiêng liêng. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nói mùa Chay là thời gian thuận tiện để hoán cải con tim thay đổi cung cách suy tư hành xử và hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân. Ngài mời gọi mọi người sống theo các giáo huấn của Chúa Giêsu, là những giáo huấn đã từng đào tạo các tông đồ trở thành những chứng nhân và những người loan báo tin vui cứu độ.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.