2006-03-18 12:42:49

HIỆP SĨ CỨU TRỢ NHÂN ĐẠO


- Tôi biết rõ ông từng tham gia khoảng 40 công tác cứu trợ nhân đạo tại khắp nơi - từ thiên tai ở Guatemala và Arméni đến nội chiến ở Sri Lanka và Liban - nhưng khi đối diện lần đầu với ông nơi quán cà phê tại căn cứ không quân Thổ-Nhĩ-Kỳ, tôi mới hoàn toàn nhận ra: Ông quả là mẫu người tự tin, không lùi bước trước gian nguy!

Đó là lời đại sứ Morton Abramowitz mô tả ông Fred Cuny, người Mỹ, hiệp sĩ cứu trợ nhân đạo.

Hồi ấy là tháng 4 năm 1991. Trong tư cách đại sứ Hoa Kỳ tại Thổ-Nhĩ-Kỳ, tôi có nhiệm vụ điều hợp chương trình hồi cư hàng trăm ngàn người tị nạn Kurdes, đang bị mắc kẹt trong các vùng núi, nằm giữa biên giới hai nước Thổ-Nhĩ-Kỳ và Irak, sau khi cuộc chiến vùng Vịnh chấm dứt.

Từ Kuweitt bay sang Thổ-Nhĩ-Kỳ ngày hôm trước, ông Fred Cuny đề nghị ngay dự án xem ra không thể nào thực hiện nổi: đưa người Kurdes trở về nguyên quán trong vòng hai tháng.

Hai tháng là chuyện gần như không thể xảy ra! Nhiều người còn dự đoán phải mất ít nhất một năm, hoặc nhiều hơn nữa. Nhưng đối với ông Fred Cuny, càng trì hoãn việc hồi hương, người Kurdes càng lệ thuộc công cuộc cứu trợ nhân đạo. Ông Fred Cuny nói gần như khẩn khoản:

- Phải đưa họ về gấp. Đó là phương thế tốt nhất giúp họ tìm lại niềm vui sống.

Sau gần hai tiếng đồng hồ bàn thảo, tôi đành chấp thuận.

Ông Fred Cuny tức tốc thi hành dự án. Ông liên hệ ngay với nhóm đồng minh và quân đội Hoa Kỳ. Rồi ông thuyết phục chính quyền Irak đừng cản trở công cuộc hồi cư người Kurdes. Và chỉ trong vòng hai tháng, đúng y như dự tính của ông, toàn dân tị nạn Kurdes hân hoan trở về làng cũ!

Với chiều cao 1 mét 90, cân nặng 115 kílô, ông Fred Cuny thường gây ấn tượng mạnh nơi những ai gặp ông lần đầu. Sinh trưởng nơi thành phố Texas, bang Dallas, Hoa Kỳ, Fred Cuny ung dung vui hưởng cuộc đời ăn sung mặc sướng. Cho đến một ngày, mọi sự đảo lộn hết, khi Fred Cuny tham dự lần đầu cuộc du lịch ra nước ngoài do đại học tổ chức. Bên kia biên giới Mễ-Tây-Cơ, anh khám phá ra cảnh sống khốn khổ nghèo nàn của một số đông người. Trở lại Hoa Kỳ, Fred Cuny quyết định ghi danh học môn chính trị và khoa trang-thiết đô-thị (urbanisme), hai môn học đưa anh đi sâu vào thảm trạmg lưu vong của không biết bao nhiêu dân tộc, ngay trong thế kỷ 20.

Năm 1969, cuộc nội chiến tại Nigeria giết hại vô số nhân mạng, cùng lúc, làm cho dân chúng rơi vào cảnh chết đói. Fred Cuny tự nguyện mang lương thực đến cho họ. Anh đau đớn nhận ra rằng, không một tổ chức nhân đạo nào biết điều hợp để cho công cuộc cứu trợ được hữu hiệu. Khi trở lại Texas, Fred Cuny muốn ngăn chặn việc phân phát sữa bột, vì thường sinh ra chứng bệnh tiêu chảy nơi trẻ em. Anh đích thân mở một văn phòng tư, nghiên cứu việc điều hợp các tổ chức nhân đạo. Ban đầu, văn phòng sinh hoạt nhờ đồng lương của anh, sau đó mới được chính phủ trợ cấp

Năm 1976, trận động đất tại Guatemala làm cho 23 ngàn người thiệt mạng và 1 triệu người không còn nhà cửa ruộng vườn. Fred Cuny được chỉ định làm người phác họa chương trình tái thiết. Fred Cuny chu toàn công tác thành công đến độ, tháng 12 năm 1988, khi trận động đất tàn phá Arméni, anh được giao cho nhiệm vụ tháp tùng 35 thành viên của ”Hãng Hoa Kỳ cứu trợ nạn nhân thiên tai hải ngoại”, sang tận Arméni. Khi đặt chân đến thành phố Leninakan - thành phố lớn thứ hai của Arméni - Fred Cuny tức tốc động viên 100 đồng chí trẻ tuổi của đảng cộng sản Arméni, gia nhập công tác cứu trợ các nạn nhân động đất.

Nơi vùng quê, mặc dầu trời lạnh cắt da, nhiều nông dân Arméni chấp nhận ngủ ngoài trời, để dành các mái nhà còn sót lại cho súc vật trú ẩn. Họ giải thích với Fred Cuny:

- Nếu súc vật không sống sót qua khỏi mùa đông, thì tất cả chúng tôi sẽ bị chết đói vào mùa xuân!

Thế là ông Fred Cuny tìm cách cứu sống đàn vật cùng lúc với dân làng.

Tháng Giêng năm 1993, khi ông Fred Cuny tới Sarajevo thì thủ đô đang trong cơn hấp hối: không điện, không nước. Ông tìm cách thiết lập hệ thống dẫn nước, đưa nước uống đến cho người dân, nhờ thế mà Sarajevo được sống còn qua cơn chiến tranh tàn khốc.

Hai năm sau, tháng Giêng năm 1995, ông Fred Cuny lên đường sang Grozny, thủ đô Tchétchénie, cộng hòa cựu Liên-Xô, đang bị quân đội Nga chiếm đóng và càn quét. Kháng chiến quân Tchétchénie cầm cự, gây nên bao nạn nhân là dân lành vô tội. Sau lần viếng thăm này, ông Fred Cuny nói với gia đình:

- Nơi thủ đô Grozny chỉ còn lại người già và cuộc sống của họ vô cùng khốn khổ. Nếu có được cuộc ngưng chiến khá lâu, tôi có thể di tản tất cả ra khỏi thủ đô. Tôi phải trở lại đó để xem có thể làm được gì cho những người dân khốn khổ.

Ông Fred Cuny trở lại Grozny vào tháng ba cùng năm 1995. Ông được hai bác sĩ và một thông dịch viên người Nga tháp tùng. Thế nhưng đây lại là chuyên đi cứu trợ nhân đạo cuối cùng. Ông Fred Cuny bị mất tích vài ngày sau đó, có lẽ bị nhóm kháng chiến quân Tchétchénie thủ tiêu vì nghi ngờ ông là gián điệp của quân đội Nga.

Ông Fred Cuny đã dâng hiến chính mạng sống mình để cứu sống không biết bao nhiêu nhân mạng.

Chính ông góp phần canh tân công cuộc cứu trợ nhân đạo và đề nghị dùng hệ thống viễn tinh để canh chừng nạn lụt lội nơi các nước nghèo thuộc thế giới thứ ba. Cũng chính ông cải tiến các trại tị nạn thành các cộng đoàn nhân bản và xem các thiên tai như một phương thế giúp phát triển dài lâu.

Người di cư và các nạn nhân thiên tai muôn đời ghi nhớ công trình của ông Fred Cuny, hiệp sĩ cứu trợ nhân đạo.

(”Reader's Digest Sélection”, Aout/1998, trang 144-150).

 
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.