2006-03-17 16:24:31

ời lời hướng dẫn cuộc sống lòng tin (Xh 20,1-17; CHÚA NHẬT III - MC - B 2006)
 


Trích sách Xuất Hành: ”Thiên Chúa phán các lời sau đây: ”Ngươi sẽ không có thần nào khác trước mặt Ta... Ngươi sẽ không kêu Danh Chúa, Thiên Chúa của ngươi vô ích... Ngươi sẽ nhớ ngày sabat để thánh hóa nó... Hãy thờ kính cha mẹ... Ngươi sẽ không giết ngưi. Ngươi sẽ không ngoại tình. Ngươi sẽ không trộm cắp. Ngươi sẽ không làm chứng gian. Ngươi sẽ không ham muốn nhà, vợ, tôi tớ nam nữ của người ta, bò lừa hay bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20,1-17 ).

Trên đây là mười ”debarim”, mười ”lời” Giavê Thiên Chúa phán với dân Do thái, mà chúng ta đã đúc kết lại trong thể thức ngắn gọn, không kèm theo các lý do và các lời giải thích. Văn bản tiếng do thái không dùng từ ”điều răn” hay ”giới luật” hoặc các từ tương đương trong lãnh vực pháp lý, mà gọi là ”các lời” của Chúa.

”Dabar” trong tiếng do thái có nghĩa là ”lời nói”, không chỉ diễn tả nội dung điều con người thông truyền cho nhau, nhưng còn cho thấy mối tương quan liên bản vị ở đây là tương quan giữa Giavê Thiên Chúa và dân Do thái. Tương quan này phát xuất từ giao ước Thiên Chúa ký kết với họ và nó trở thành mật thiết tới độ sau này các ngôn sứ so sánh nó với giao ước hôn nhân, khiến cho dân Do thái trở thành ”hôn thê” và Thiên Chúa là ”hôn phu”.

Thiên Chúa gửi các lời của Ngài cho họ qua tôi tớ Ngài là ông Môshê. ”Mười lời” Thiên Chúa ban diễn tả một ơn quan trọng đối với dân Do thái. Cùng với biến cố được giải phóng khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ bằng an và băng ngang qua sa mạc Sinai để tiến về Đất Hứa, lời Chúa ban như kim chỉ nam cho cuộc sống thường ngày là một trong các dấu chỉ tỏ tường chứng minh cho thấy qủa thật họ là dân riêng Chúa chọn. Qua các lời đó chính Giavê Thiên Chúa nhắc nhớ cho dân Do thái biết các cử chỉ yêu thương quan phòng kể trên và mời gọi họ trung thành với Ngài là Chúa duy nhất của họ, đừng tôn thờ các ngẫu tượng. Sự tín trung đó bắt nguồn từ giao ước của họ với Chúa. Do đó, Thiên Chúa cũng dành cho Ngài quyền coi dân Do thái như là thụ tạo của Ngài, trong nghĩa Ngài thực sự tạo dựng ra họ, kéo họ ra từ sự hư không của kiếp sống nô lệ và dẫn đưa họ tới sự tự do.

Nhưng sống ơn gọi tự do và sử dụng ơn tự do không bao giờ là điều dễ dàng. Và sự tự do là một trong các thảm cảnh của cuộc sống con người, vì nó có nguy cơ trở thành một khả thể bị lạm dụng và lãng phí. Khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa ban cho con người sự tự do và Ngài luôn luôn tôn trọng sự tự do đó, đồng thời Thiên Chúa cũng cống hiến cho con người những mô thức giúp con người sống tự do. Mười lời của Chúa như thế là kiểu cách Thiên Chúa diễn tả sự ân cần săn sóc của Ngài đối với dân Do thái. Giavê Thiên Chúa kêu mời, chứ không bắt buộc. Ngài kêu mời con người đừng tôn thờ các ngẫu tượng hay theo một tôn giáo biến họ trở thành nô lệ và không trưởng thành trong cuộc sống tâm linh. Ngài kêu mời họ đừng thi hành ma thuật; đừng để cho mình bị thống trị bởi các luật lệ kinh tế và lao động, vì kinh tế và công ăn việc làm cần thiết cho con người, nhưng con người không được phục vụ chúng và để cho chúng thống trị mình. Ngoài ra Thiên Chúa cũng mời gọi con người sống trưởng thành trong các liên hệ gia đình, làm sao để luôn luôn có sự tôn trọng và hài hòa; qúy chuộng sự sống của tha nhân, đừng xen mình vào các liên hệ giữa các cặp vợ chồng khác, tôn trọng tài sản của người khác và luôn luôn phụng sự chân lý.

Tất cả cung cách sống đó khiến cho con người được tự do, bởi vì con người không tùy thuộc nơi những gì nó có, hay nơi bạo lực đối với tha nhân, mà tùy thuộc nơi tình yêu thương, bằng cách sống các lời mời gọi cụ thể của Chúa. Thật thế, trong mười lời kêu gọi chỉ có ba lời mời gọi đầu liên quan tới Thiên Chúa, bẩy lời mời gọi theo sau liên quan tới con người và các liên lạc của nó với tha nhân. Và nói cho cùng lời mời gọi thứ ba thánh hóa ngày lễ nghỉ cũng nhằm lợi ích cho chính tín hữu: để săn sóc đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng siêu việt của mình, để có giờ ngủ nghỉ, giải trí và có thời giờ cho nhau giữa các thành phần trong cùng một gia đình, giữa bà con thân thuộc bạn bè và các thành phần của cùng một cộng đoàn, để sống và vun trồng tình người và các chiềyu kích nhân bản.

Ngoài ra, cũng nên ghi nhận sự kiện này: đó là không được coi các lời mời gọi này của Thiên Chúa là các luật lệ như các điều luật của bất cứ bất cứ bộ luật nào khác, nhưng chúng là những giáo huấn, những lời nhắn nhủ, một kiểu sống khôn ngoan giúp con người trở nên hoàn thiện hướng tới chỗ yêu mến Thiên Chúa và sống hài hòa với nhau trong sự bình an của Thiên Chúa. Sau này chính Chúa Giêsu cũng mời gọi mọi người hãy tuân giữ các lời mời gọi này của Thiên Chúa và Ngài khẳng định rõ ràng rằng Ngài đến không phải là để hủy bỏ Luật Lệ hay giáo huấn của các ngôn sứ, nhưng là để kiện toàn chúng.

 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.