2006-03-15 15:03:33

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tái khẳng định không thể tách rời Chúa Kitô khỏi Giáo Hội



Trong buổi tiếp kiến chung hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 15-3-2006, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tái khẳng định rằng không thể tách rời Chúa Kitô khỏi Giáo Hội.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha báo cho mọi người biết ngài bắt đầu loạt bài giáo lý mới về mầu nhiệm tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Trước hết bằng cách khởi hành từ kinh nghiệm của các Tông Đồ, dưới ánh sáng của nhiệm vụ được trao phó cho các vị. Ngài nói: ”Giáo Hội đã được xây dựng trên nền tảng của các Tông Đồ như là một cộng đoàn lòng tin, lòng cậy và lòng mến. Qua các Tông Đồ chúng ta lên tới chính Chúa Giêsu. Giáo Hội bắt đầu được thành lập, khi một vài bác thuyền chài vùng Galilea gặp gỡ Chúa Giêsu và để cho cái nhìn, tiếng nói và lời mời gọi nồng nhiệt mạnh mẽ của Ngài chinh phục họ: ”Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những người chài lưới người” (Mc 1,17: Mt 4,19).

Vào đầu ngàn năm mới, vị tiền nhiệm của tôi là Đức Gioan Phaolô II kính yêu đã đề nghị với Giáo Hội chiêm ngưỡng gương mặt của Chúa Kitô (x. Novo millennio ieunte, 16 tt.). Tôi cũng sẽ di chuyển theo cùng chiều hướng ấy và trong các bài giáo lý mà tôi bắt đầu hôm nay tôi muốn chỉ cho thấy ánh sáng của Gương Mặt Chúa Kitô phản chiếu thế nào trên gương mặt của Giáo Hội (LG 1), có in dấu các hạn hẹp và các bóng tối của bản tính nhân loại yếu hèn và tội lỗi của con người. Sau Mẹ Maria, người phản ánh tinh tuyền ánh sáng của Chúa Kitô, là tới các Tông Đồ với lời giảng dậy và chứng tá của của các ngài, các ngài thông truyền cho chúng ta chân lý của Chúa Kitô. Tuy nhiên sứ mệnh của các ngài không bị cô lập, nhưng nằm trong mầu nhiệm của sự hiệp thông, lôi cuốn toàn dân Chúa và được thực hiện theo từng giai đoạn, từ Giao Ước cũ tới Giao Ước mới.

Ở đây cần ghi nhận rằng người ta sẽ hiểu lầm toàn sứ điệp của Chúa Giêsu, nếu tách rời nó ra khỏi bối cảnh của lòng tin và niềm hy vọng của dân được tuyển chọn. Giống như thánh Gioan Tiền Hô, Chúa Giêsu hướng tới dân Israel trước hết (x. Mt 15,24), để quy tụ họ trong thời cánh chung đã đến với sự hiện diện của Người. Và cũng giống như lời rao giảng của thánh Gioan, lời rao giảng của Chúa Kitô cũng đồng thời là lời mời gọi của ơn thánh và là dấu chỉ của sự mâu thuẫn và sự phán xử đối với toàn dân Chúa. Tuy nhiên, ngay từ đầu hoạt động cứu rỗi, Đức Giêsu thành Nagiarét đã hướng tới việc quy tụ Dân Thiên Chúa. Ngay cả khi lời rao giảng của Ngài luôn luôn là một lời mời gọi hoán cải cá nhân, thực ra Chúa Giêsu liên tục nhắm tới việc thành lập Dân Thiên Chúa mà Ngài đã đến để quy tụ và cứu rỗi. Vì thế giải thích lời Chúa Kitô loan báo Nước Thiên Chúa theo khuynh hướng cá nhân là giải thích một chiều và thiếu nền tảng, như học giả Adolf von Harnack đã tóm lược, khi viết trong các Bài Học về bản chất Kitô giáo như sau: ”Nước Thiên Chúa đến, trong tư cách là đến với từng người riêng rẽ, tìm ra lối vào trong linh hồn của họ và họ tiếp đón nó. Nước Thiên Chúa là quyền làm Chúa của Thiên Chúa, nhưng là quyền làm Chúa của Thiên Chúa thánh thiện trong các tôm hồn riêng rẽ” (Lezione Terza, 100 tt.)

Khuynh hướng cá nhân đó là nét nổi bật của nền thần học tự do ngày nay. Nhưng trong viễn tượng của truyền thống Kinh Thánh và trong chân trời của Do thái giáo, người ta thấy rõ là tuy công trình của Đức Kitô mới mẻ, nhưng toàn sứ mệnh của Con Thiên Chúa làm người có mục đích cộng đoàn, vì nhắm tới việc quy tụ và hiệp nhất dân thời cánh chung của Thiên Chúa.

Một trong những dấu chỉ hiển nhiên cho thấy ý định của Đức Giêsu thành Nagiarét muốn quy tụ cộng đoàn giao ước để biểu lộ sự thành toàn các lời Thiên Chúa đã hứa với các Tổ Phụ, đó là việc thành lập Nhóm Mười Hai: ”Người lên núi, gọi đến với Người những kẻ Người muốn và họ đi đến với Người. Người thành lập Nhóm Mười Hai để họ ở với Người, để Người cũng sai họ đi rao giảng và để họ xua trừ qủy dữ. Người thành lập Nhóm Mười Hai... (Mc 3,13-16; x Mt 10,1-4; Lc 6,12-16). Trên núi là nơi của sự mạc khải, với sáng kiến tỏ lộ cho thấy ý thức và sự cương quyết tuyệt đối của Người, Chúa Giêsu thành lập Nhóm Mười Hai để các vị cùng với Người làm chứng nhân và người loan báo biến cố Nước Thiên Chúa. Liên quan tới tính cách lịch sử của việc mời gọi này thì không có nghi ngờ nào, vì có nhiều chứng tích cổ xưa, nhưng cũng vì lý do đơn sơ là có cả tên của Giuđa, vị tông đồ phản bội nữa, mặc dù sự hiện diện này có thể tạo ra các khó khăn cho cộng đoàn đang khai sinh. Số Mười Hai nhắc nhớ lại 12 chi tộc Israel, đã vén mở cho thấy ý nghĩa hành động ngôn sứ biểu tượng tiềm ẩn trong cơ cấu mới này. Hệ thống 12 chi tộc Israel đã tàn lụi từ lâu, nhưng Israel vẫn hy vọng đợi chờ việc tái lập hệ thống đó như dấu chỉ của biến cố thời cánh chung, như có thể nhận ra trong bút tích phần cuối của sách ngôn sứ Edekiel (Ed 37, 15-19; 39, 23-29; 40-48). Khi lựa chọn Mười Hai vị, dẫn đưa các vị vào trong cuộc sống hiệp thông với Người và cho các vị tham dự vào sứ mệnh loan báo Nước Chúa bằng lời nói và việc làm (x. Mc 6,7-13; Mt 10,5-8; Lc 6,13), Chúa Giêsu muốn nói rằng đã tới thời gian trong đó các lời hứa của Thiên Chúa được thành toàn một cách vĩnh viễn.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: ”Với chính sự hiện diện của mình và được kêu gọi từ nhiều nguồn gốc khác nhau, Nhóm Mười Hai trở thành lời kêu mời toàn dân Israel hoán cải và chấp nhận được quy tụ trong giao ước mới, là việc hiện thực tràn đầy giao ước cũ. Trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ nhiệm vụ cử hành việc tưởng niệm Ngài. Qua con người của các vị thủ lãnh Giáo Hội, Chúa cho thấy Ngài muốn trao phó cho toàn cộng đoàn nhiệm vụ là dấu chỉ và là dụng cụ của việc quy tụ thời cánh chung trong dòng lịch sử. Trong ánh sáng đó, chúng ta hiểu tại sao Chúa Phục sinh lại trao phó cho các tông đồ quyền tha tội với việc đổ tràn đầy Thần Khí trên các vị (x. Ga 20,23). Như thế, Mười Hai Tông Đồ là dấu chỉ hiển nhiên nhất ý muốn của Đức Giêsu liên quan tới sự hiện hữu và sứ mệnh của Giáo Hội Người. Nó bảo đảm cho thấy giữa Chúa Kitô và Giáo Hội không có sự đối kháng nào. Và chính vì thế nên một khẩu hiệu xem ra hợp thời như khẩu hiệu ”Chúa Giêsu thì được, nhưng Giáo Hội thì không” là điều không thể hòa hợp được với ý muốn của Chúa Kitô. Giữa Con Thiên Chúa nhập thể làm người và Giáo Hội của Ngài có một sự tiếp nối sâu xa, không thể phân rẽ và mầu nhiệm, qua đó ngày nay, Chúa Kitô hiện diện giữa dân Ngài và đặc biệt giữa những người kế vị các Tông Đồ”.

Đa số các đoàn hành hương đến từ các giáo phận Italia và Đức. Hai đoàn hành hương Ý đông nhất là đoàn 3000 nhà kỹ nghệ thuộc Hội đồng kỹ nghệ Italia, do ĐC Gianni Danzi TGM giáo phận Todi hướng dẫn; và 2000 doanh thương thuộc Liên hiệp doanh thương công giáo Italia do ĐHY Poletto, TGM Torino hướng dẫn. Bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu cũng có các đoàn hành hương đến từ Đông âu như Ba Lan, Cộng Hòa Tchèques, Rumania, Croazia và Slovenia. Từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Argentina và Brasil. Từ Á châu có các nhóm hành hương Nhật Bản và Phi Luật Tân.

Chào 5000 người thuộc giới lãnh đạo Liên hiệp doanh thương và kỹ nghệ Italia, Đức Thánh Cha khuyến khích họ sống chứng tá kitô trung thực trong môi trường sống và làm việc thường ngày. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới ngài khích lệ mọi người tiếp tục dấn thân trên con đường mùa chay, được nhiều ơn thánh và noi gương Chúa Giêsu tuân hành thánh ý của Thiên Chúa Cha.

 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.