2006-03-10 12:23:28

HÔN LỄ CÔNG GIÁO THEO KIỂU NHẬT BẢN


Nhật Bản là quốc gia Á Châu đông dân với hơn 126 triệu người nhưng cũng là quốc gia có tỉ số Công Giáo thấp nhất với 0,03% nghĩa là chỉ có khoảng 500 ngàn tín hữu Công Giáo.

Trong một bối cảnh con số tín hữu khiêm tốn như thế, các Linh Mục Thừa Sai Công Giáo hoạt động tích cực tối đa để phục vụ người dân Nhật Bản, Công Giáo cũng như không Công Giáo, với hy vọng có thể đưa thêm vài chục người gia nhập Giáo Hội Công Giáo ..

Một trong các sinh hoạt mục vụ đặc thù của các vị Thừa Sai tại Nhật Bản là giúp các đôi bạn trẻ không Công Giáo cử hành hôn lễ nơi nhà thờ Công Giáo. Hàng năm có khoảng từ 40 đến 50 cặp xin cử hành nơi nhà thờ Công Giáo.

Người ta tự hỏi các cặp hôn nhân này tìm kiếm gì nơi nhà thờ Công Giáo? Ý nghĩa cho cuộc sống ư? Chắc chắn như thế. Tìm kiếm THIÊN CHÚA chăng? Không hẳn như vậy. Thế nhưng, các Linh Mục Công Giáo vẫn dành thời giờ để giúp các cặp này cử hành hôn lễ nơi nhà thờ vì đây là cơ hội ngàn vàng để nói với họ về THIÊN CHÚA và về Giáo Hội Công Giáo. Thông thường, các buổi cử hành hôn lễ nơi nhà thờ Công Giáo luôn để lại kỷ niệm khó quên và mang đến kết quả tốt đẹp sau đó.

Xin trưng dẫn trường hợp điển hình của Ông Bà Honda. Cả hai đều không phải tín hữu Công Giáo nhưng đã xin làm lễ cưới tại nhà thờ Matsugamine vào tháng 10 năm 1972.

Ngược dòng thời gian, vào năm lên 4-5 tuổi, bé gái Honda đến chơi nơi vườn trẻ của giáo xứ bên cạnh nhà. Bé trai Honda cũng trải qua trường hợp tương tự. Lớn lên cô Honda theo học trường công. Cô thiếu nữ nhớ rõ trong khoảng thời gian đó, các học sinh thường trao đổi ý kiến với nhau về vấn đề sự hiện hữu của THIÊN CHÚA. Dĩ nhiên đa số không tin nhận THIÊN CHÚA hiện hữu và cô Honda thuộc vào số đông vô thần này.

Tiếp đến cô Honda trải qua bậc trung học và đại học tại các trường Công Giáo. Nơi đây cô hấp thụ nền giáo dục mang màu sắc tôn giáo. Tư tưởng và tâm tình cô thiếu nữ đổi khác. Cô bắt đầu ao ước được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, nhưng vì không được ai hướng dẫn và khuyến khích nên niềm ao ước bị rơi vào quên lãng.

Rồi đến thời kỳ đính hôn qua trung gian ông-mai bà-mai như thói quen vẫn thịnh hành lúc ấy. Với sự đồng ý của vị hôn phu, cả hai bàn chuyện cử hành hôn lễ nơi một nhà thờ Công Giáo. Cha Sở của giáo xứ là Linh Mục dòng Phanxicô người Canada nhưng nhập quốc tịch Nhật Bản. Cha đồng ý chủ sự hôn lễ cho đôi bạn và mời cả hai tham dự một loạt 4-5 cuộc gặp gỡ để chuẩn bị cho buổi cử hành. Với tâm hồn của nhà truyền giáo nhiệt-thành, thẳng-thắn và bộc-trực, Cha không ngần ngại nói trước với đôi bạn trẻ: họ có thể lãnh nhận bí tích Rửa Tội sau khi thành hôn, nếu họ muốn!

Và chuyện đã xảy ra với bà Honda. Một thời gian ngắn sau hôn lễ, bà Honda xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Khi sinh hạ hai đứa con gái bà cũng xin Rửa Tội cho chúng. Về phần ông Honda, ông không xin Rửa Tội ngay. Nhưng mỗi Chúa Nhật ông có thói quen tháp tùng ba mẹ con đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Ông làm thế vì không muốn nếm cảnh “hiu-quạnh” ở nhà một mình. Dần dần ông mộ mến các buổi cử hành Thánh Lễ nên chính thức xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Gia đình ông bà Honda sau đó được tăng cường với cuộc theo Đạo Công Giáo của em vợ, chị chồng v.v. Chưa hết. Ông bà trở thành phần tử nhiệt thành của giáo xứ. Ông bà tích cực tham gia mọi sinh hoạt của giáo xứ. Đến phiên mình, ông bà hăng say giới thiệu với các đôi tân hôn không Công Giáo về vẽ đẹp cử hành hôn lễ nơi nhà thờ Công Giáo.

... ”Đức khôn ngoan là huấn giới của THIÊN CHÚA ghi trong Sách Luật. Luật tồn tại cho đến muôn đời. Ai gắn bó với Lề Luật thì sẽ được sống; còn ai lìa bỏ ắt sẽ phải chết. Hỡi Giacóp, hãy quay trở về đón nhận Lề Luật, hãy dõi theo ánh sáng của Lề Luật mà tiến bước về chốn huy hoàng! Vinh quang của ngươi, ch nhưng cho ngưi khác, đặc ân của ngươi, đừng trao cho dân ngoại. Hỡi Israel, chúng ta có phúc dường nào, vì được biết những gì làm đẹp lòng THIÊN CHÚA” (Barúc 4,1-4).

(”Le CHRIST au monde”, Mai-Juin/2005, trang 241-242).

 
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.