2006-02-15 18:52:54

Đức Thánh Cha khuyến khích tiếp nhận và phố biến Tình Yêu của Thiên Chúa


Trong buổi tiếp kiến chung hơn 17.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 15-2-2006, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khuyến khích mọi người tiếp nhận và phổ biến Tình Yêu của Thiên Chúa để góp phần xây dựng một thế giới công bằng và liên đới hơn.

Buổi tiếp kiến đã diễn ra tại hai nơi: phần thứ nhất ngắn gọn trong đền thờ thánh Phêrô dành cho 6000 sinh viên học sinh các trường Italia và 1.800 thành viên của gia đình ”Anh em của thánh Gioan” hành hương Roma nhân kỷ niệm 30 năm thành lập dòng Thánh Gioan; phần thứ hai chính thức trong đại thính đường Phaolô VI, dành cho 9.000 tín hữu khác. Chào hơn 8.000 bạn trẻ và tín hữu trong đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã nhắc tới thông điệp ”Thiên Chúa là tình yêu” và nhắn nhủ mọi người như sau: ”Tôi mời gọi từng người ngày càng hiểu biết và tiếp nhận Tình Yêu đó của Thiên Chúa, Tình Yêu thay đổi cuộc sống và khiến cho anh chị em trở thành các chứng nhân đáng tin cậy của Tin Mừng. Như thế, anh chị em sẽ trở thành các bạn hữu đích thật của Chúa Giêsu và là các tông đồ trung tín của Ngài. Đặc biệt đối với những người yếu đuối và cần được giúp đỡ hơn, chúng ta phải khiến cho họ cảm nhận được sự dịu hiền của Trái Tim của Thiên Chúa, và xin anh chi em đừng quên rằng: khi mỗi một người trong chúng ta phổ biến tình yêu của Thiên Chúa, là chúng ta góp phần vào việc xây dựng một thế giới công bằng và liên đới hơn.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa bài thánh ca Magnificcat, kết thúc loạt bài huấn dụ liên quan tới các thánh vịnh và thánh thi của Phụng Vụ Kinh Chiều, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bắt đầu trong buổi tiếp kiến chung ngày 28 tháng 3 năm 2001. Ngài cầu mong mọi người noi gương Mẹ Maria luôn có tâm tình chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nói: ”Chúng ta đã tới điểm kết thúc lộ trình suy niệm dài về ý nghĩa các thánh vịnh và thánh ca, mà vị tiền nhiệm qúy yêu của tôi, người không thể nào quên được là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã bắt đầu. Lộ trình hành hương tinh thần này giống như một cuộc hành trình trong một ngôi vườn nở đầy hoa chúc tụng ngợi khen, cầu nguyện và chiêm niệm. Bài thánh ca Magnificat kết thúc một cách lý tưởng việc cử hành phụng vụ (Lc 1,46-55). Đó là một bài thánh ca vén mở cho thấy tinh thần tu đức của các ”anawim” trong Kinh Thánh, hay các tín hữu tự nhận mình là những ”người nghèo”, không phải chỉ trong nghĩa tách rời khỏi mọi tôn thờ ngẫu tượng của của cải giầu sang và quyền bính, mà cũng trong nghĩa của sự khiêm hạ sâu thẳm của con tim, lột bỏ mọi cám dỗ của kiêu căng, rộng mở cho ơn thánh cứu độ ùa vào cuộc sống. Thật thế, toàn kinh Magnificat được ghi dấu bởi sự ”khiêm nhường” đó, tiếng hy lạp là ”tapeinosis”, ám chỉ một tình trạng cụ thể của khiêm nhường và nghèo khó.

Phần đầu của thánh ca giống như tiếng hát của một ca viên cất tiếng ca tụng Thiên Chúa. Thật vậy người ta nhận ra các kiểu diễn tả liên tục ở ngôi thứ nhất: ”Linh hồn tôi... thần trí tôi... Đấng cứu độ tôi... họ sẽ khen tôi... các điều cao cả Ngài đã làm cho tôi”. Như thế, linh hồn của bài thánh ca là việc cử hành ơn thánh của Thiên Chúa ùa tràn vào con tim và cuộc đời của Đức Maria khiến cho Người trở thành Mẹ của Chúa.
Cấu trúc nội tại bài thánh ca cầu nguyện của Đức Mẹ là lời chúc tụng, ngợi khen cảm tạ, và niềm vui biết ơn. Nhưng chứng tá đó không chỉ có tính cách cá nhân, cô đơn và trong nội tâm, bởi vì Đức Trinh Nữ ý thức rằng mình có một sứ mệnh phải chu toàn cho nhân loại và cuộc đời của Mẹ tháp liền vào lịch sử cứu rỗi: ”Từ đời này sang đời khác lòng từ bi Chúa trải dài trên những kẻ kính sợ Ngài” (c. 50).

Tiết nhịp thứ hai của bài thánh ca Magnificat (cc. 51-55) có giọng điệu của ca đoàn hiệp với tiếng hát của Đức Maria đó là tiếng hát của toàn cộng đoàn tín hữu chúc tụng các lựa chọn gây kinh ngạc của Thiên Chúa. Trong văn bản hy lạp của Phúc Âm thánh Luca chúng ta tìm thấy 7 động từ ở thể ”aorist”, là thể hoàn tất quá khứ, ám chỉ 7 hành động mà Thiên Chúa thành toàn một cách thường hằng trong lịch sử: ”Ngài đã biểu dương sức mạnh... đã dẹp tan kẻ kiêu ngạo... đã lật đổ những kẻ quyền thế... đã nâng cao kẻ khiêm nhường... đã ban của đầy dư cho kẻ đói khát... đã đuổi người giầu có trở về tay không... đã cứu giúp Israel”.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Bẩy công trình đó của Chúa cho thấy rõ ràng kiểu hành xử của Thiên Chúa của lịch sử: Người đứng về phía những người rốt hết. Chương trình của Người thường dấu ẩn đưới lớp đất mờ nhạt của các biến cố nhân loại. Các biến cố ấy cho thấy chiến thắng của những kẻ ”kiêu căng, quyền thế và giầu sang”. Nhưng sức mạnh bí mật của chương trình đó sẽ được biểu lộ để cho thấy ai là những người được Thiên Chúa tuyển chọn: ”Đó là những kẻ kính sợ Chúa”, trung thành với lời Người; ”những người khiêm hạ, đói khát, Israel tôi tớ Người”, hay cộng đoàn dân Chúa, như Đức Maria bao gồm những người ”nghèo”, có con tim trong sạch và đơn sơ. Và ”đoàn chiên nhỏ” đó được mời gọi đừng sợ hãi vì Thiên Chúa Cha thích ban vương quốc Người cho họ (x. Lc 12,32).

Kết thúc bài huấn dụ Đức Thánh Cha trích dẫn lời thánh Ambrogio chú giải văn bản bài thánh ca Magnificat: cầu mong cho linh hồn và thần trí của Mẹ Maria ở trong từng người để chúc tụng Chúa và mừng vui trong Chúa; và xin cho mọi linh hồn tín hữu cũng biết tiếp nhận Ngôi Lời của Thiên Chúa và sinh ra Chúa Kitô cho trần gian như Mẹ.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.