2006-02-10 17:40:17

Tâm thần, một căn bệnh trầm trọng của thời đại tân tiến ngày nay


Thứ bảy 11-2-2006 là Ngày Quốc Tế Các Bệnh Nhân lần thứ XIV. Ngày Quốc Tế Các Bệnh Nhân năm nay có đề tài là: ”Sức khỏe tâm thần và phẩm giá con người”, và được cử hành tại giáo phận Adelaide miền nam Úc, dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Javier Lozano Barragán, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Mục Vụ Y Tế, Đặc Sứ của Đức Thánh Cha.

Ngày Quốc Tế Các Bệnh Nhân tại Adelaide đã được khai mạc với hai ngày đại hội trước đó, có sự tham dự của hơn 1000 người, trong đó có 400 đại diện của các Giáo Hội vùng Đại Dương Châu, gồm các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Tu sĩ nam nữ. Ngoài ra còn có nhiều giới chức chính trị, xã hội, y tế và chuyên viên về bệnh tâm thần. Mọi người đã cùng nhau cầu nguyện, suy tư và trao đổi các kinh nghiệm trên lãnh vực lý thuyết, khoa học, mục vụ và phụng vụ.

Trong số các thuyết trình viên tại đại hội, có bác sĩ Ian Hickie, Giám đốc Học viện não bộ và giáo sư tâm thần tại đại học Sydney. Bác sĩ đã trình bầy về ”Tình trạng bệnh tâm thần tại Australia”; bác sĩ Anne Deveson, tác giả kiêm thành viên nguyệt san ”Diễn Đàn Sức Khỏe Tinh Thần”, diễn thuyết về đề tài ”Sức khỏe tâm thần - một viễn tượng cá nhân”; kịch sĩ Garry McDonald nói về việc dùng kịch nghệ để chữa bệnh tâm thần; Linh Mục Peter Comensoli, Chưởng ấn giáo phận Wollongong nói về đề tài ”Các kết qủa của phẩm giá con người”; bác sĩ Prue McEvoy Chủ tịch Ủy ban bảo vệ trẻ em của tổng giáo phận Adelaide khai triển đề tài ”Các hết qủa của công tác săn sóc mục vụ cho bệnh nhân tâm thần”. Ngày thứ sáu mùng 10 tháng 2 đã được dành cho cuộc hội thảo bàn tròn theo nhóm để trao đổi kinh nghiệm và suy tư về các phương thức giúp cải tiến cuộc sống của các bệnh nhân tâm thần và những người săn sóc họ.

Trong bài tham luận khai mạc đại hội hôm mùng 9 tháng hai, Đức Hồng Y Javier Lozano Barragàn đã nhấn mạnh trên sự kiện hiện nay trên thế giới có tới 450 triệu người bị bệnh tâm thần, nhưng lại chỉ có 25% các nước có luật lệ thích hợp về vấn đề này. 450 triệu bệnh nhân tâm thần trên tổng số hơn 6 tỉ người, tức chiếm hơn một phần sáu dân số thế giới. Nghĩa là cứ hơn 6 người thì có một người bị bệnh tâm thần dưới mọi dạng thái nặng nhẹ của nó. Sự kiện này đòi buộc các chính quyền và các cơ cáu xã hội dân sự cùng nhau hoạt động để phòng ngừa và săn sóc các anh chị em bị bệnh. Lý do là vì mọi người đều là thụ tạo do Chúa dựng nên và vì thế có phẩm giá cần phải được thừa nhận và tôn trọng.

Trong bài phỏng vấn dành cho đài Vaticăng hai ngày trước khi lên đường sang Úc chủ sự đại hội, ĐHY Barragàn nói: Bệnh tâm trì đè nặng trên con người, trong sâu thẳm tâm hồn họ. Vì thế, các tín hữu của Giáo Hội cần phải dành tất cả mọi cảm thông cho các anh chị em bệnh nhân. Đây là điều Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đã nêu bật trong sứ điệp gửi Ngày Quốc Tế Các Bệnh Nhân. Nó càng cấp thiết hơn nữa vì trong nhiều nước vẫn chưa có luật lệ liên quan tới lãnh vực này và thiếu một đường lối chính trị thích hợp.

Có rất nhiều lý do gây ra bệnh tâm thần. Nó có thể là hậu qủa của các cơ phận bị hư hoại hay suy yếu trong thân thể con người ngay từ khi còn là bào thai hay trong thời niên thiếu; một đôi khi nó là yếu tố di truyền; nhưng rất thường khi nó là hậu qủa của sự lao tâm lao lực do cuộc sống quay cuồng, cạnh tranh, đua đòi, bon chen, gây ra. Những âu lo phiền muộn, mệt mỏi, làm việc nhiều qúa, thiếu ngủ nghỉ, thiếu tiếp xúc, thiếu giải trí lành mạnh, không quân bình giãn xả, những thất bại trong cuộc sống, trong việc học hành, trên đường công danh, tình duyên, sự nghiệp, trong công việc làm ăn, cảnh nợ nần, những khổ đau không giãi bầy chia sẻ được với ai, những khép kín, co cụm, cô đơn vv... tất cả đều dễ đẩy đưa con người tới tình trạng suy sụp tinh thần. Nhưng còn có một lý do sâu xa hơn nữa: đó là sự kiện con người đánh mất đi lòng tin của mình nơi các giá trị tinh thần, hay không tìm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiêng liêng siêu việt trong cuộc sống. Do đó, cuộc sống trở thành vô nghĩa, và tình trạng trống rỗng tâm linh đẩy đưa con người tới chỗ suy sup tinh thần. Nơi người trẻ, nó khiến cho họ rơi vào cảnh nghiện ngập xì ke ma túy. Đây là lý do khiến cho càng ngày càng có nhiều trẻ em và người trẻ có vấn đề với sức khỏe tâm thần, đặc biệt khi các em có cha mẹ ly thân ly dị, phải sống trong tình trạng thường xuyên căng thẳng bấp bênh, cãi vã, thiếu tình yêu thương, thiếu bầu khí hài hòa hạnh phúc trong gia đình. Những vết thương này ăn sâu vào tiềm thức và tới một lúc nào đó được biểu lộ ra ngoài và trở thành bệnh tâm thần. Các hình thức tâm thần trầm trọng có thể biến con người trở thành điên loạn, hay tệ hại hơn nữa là điên loạn tuyệt vọng tới tự tử hay giết người và tự tử.

Tuy nhiên, bệnh tâm thần cũng giống như các tật bệnh khác có thể và cần đươc chữa trị với các phương thức thích hợp và nhất là không được bỏ rơi các anh chị em bệnh nhân. Cho tới thời gian gần đây trong nhiều nhà thương điên, các người bệnh bị đối xử như thú vật, bị đánh đập, xiềng xích, và chích thuốc an thần cho trở thành đù đẫn để khỏi la hét, phá phách.

Đức Hồng Y Lozano Barragán đặcc biệt kêu gọi các chính quyền duyệt xét lại chính sách đối với các bệnh nhân tâm thần. Sự kiện Italia và một số nước khác ra lệnh hủy bỏ tất cả các nhà thương hoặc trung tâm dành cho người bị bệnh tâm trí là một sai lầm rất lớn. Chính quyền các nước này cho rằng duy trì các nhà thương và cơ cấu như thế là phí phạm tiền bạc và thời giờ. Thay vào đó họ giải quyết vấn đề bằng các nhà thương ban ngày hoặc các bệnh xá khác, hay cho bệnh nhân ở lại trong các gia đình. Hậu qủa là nhiều người bệnh lang thang đầu đường xó chợ như những người vô gia cư, hay tạo ra biết bao nhiêu vấn đề cho gia đình họ đến không chịu nổi.

Để có thể trợ giúp các anh chị em bệnh nhân tâm trí hữu hiệu và cải tiến tình trạng sống của họ, cần phải có sự phối hợp cộng tác chặt chẽ giữa các chính quyền, các lực lượng dân sự xã hội, bác ái từ thiện và tôn giáo. Nếu không, sẽ khó có thể đương đầu với bệnh tâm thần, một căn bệnh trầm trọng của thời đại tân tiến ngày nay. Thật thế, với 450 triệu bệnh nhân, bệnh tâm thần đang ngày càng trở thành một thách đố cam go đối với toàn cộng đồng nhân loại.


Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.