2006-02-07 17:55:42

Nghệ thuật chết”



 Chưa bao giờ y khoa và dược khoa đã đạt các tiến bộ to lớn như ngày nay, nhưng cũng chưa bao giờ con người lại sợ chết như ngày nay. Người ta tìm mọi cách để không chết và tránh nói tới cái chết. Do đó, nói tới ”nghệ thuật chết” là cả một chuyện lạ. Thế nhưng đó đã là đề tựa một cuốn sách của bà Marie de Hennezel, chuyên viên tâm lý phục vụ trong khu vực giảm đau của nhà thương quốc tế đại học Paris. Bác sĩ Marie de Hennezel là người đã thành lập hiệp hội ”Bernard Dutant - bệnh Sida và phương pháp săn sóc”. Hiện bà cộng tác với bộ y tế Pháp về các vấn đề liên quan tới giai đoạn kết thúc cuộc đời. Bà là tác gỉa của nhiều sách trong đó có các cuốn như: ”Cái chết thân thiết”, do cựu tổng thống Mitterand đề tựa xuất bản năm 1998, ”Nghệ thuật chết” xuất bản năm 1997; ”Chúng mình chưa nói lời từ biệt nhau”, xuất bản năm 2000; ”Nỗi âu lo của kẻ khác” xuất bản năm 2004, và mới xây bà đã cho xuất bản cuốn ”Chết mở mắt”.

Theo bà Marie de Hennezel mỗi người cầu mong mình được chết trong giấc ngủ, một cách kín đáo, không gây nặng nề cho kẻ khác. Hơn là việc chối bỏ cái chết, con người ngày nay sợ hãi các điều kiện chết. Và nỗi sợ hãi đó có lý do của nó, vì chúng ta chứng kiến những cơn hấp hối khó khăn, hay tình trạng những người được giữ cho sống vượt ngoài tầm mức có lý. Sự chờ đợi đó một đàng chống lại truyền thống còn được lưu lại cho tới gần đây gọi là ”nghệ thuật chết”, đàng khác nó ngược lại với truyền thống của Phật giáo và truyền thống của các thổ dân Mỹ châu đánh giá rất cao sự sáng suốt của con người cho tới giây phút cuối đời. Và đây là một mất mát lơn trong cuộc sống con người. Con người ngay nay đã đánh mất đi các lễ nghi, các cử điệu, các lời nói hướng dẫn giây phút từ bỏ cõi đời này. Con người cảm thấy bị lạc hướng và không được chuẩn bị. Rất ít người biết rằng kinh nghiệm cái chết làm giầu cho người ra đi cũng như cho người tháp tùng kẻ ra đi. Ngày nay người ta có cảm tưởng đó là chuyện y khoa. 25 tới 50% các trường hợp chết được coi là liên lụy tới một quyết định y khoa. 20% trường hợp khác xảy ra trong giai đoạn hồi sinh. Thật khó mà chết tại nhà mà không được săn sóc thuốc men đặc biệt. Nhưng đây đó người ta sống các kinh nghiệm khác và các kinh nghiệm này cho thấy con người học hỏi, chiếm hữu được nhiều điều hay đối với trật tự cuộc sống.

Để cho cái chết không phải là một sự mất mát, thì điều kiện đầu tiên là phải ý thức được thân phận là người phải chết của mình. Cuộc sống con người giòn mỏng, mau qua, tạm bợ, vì thế nên qúy báu. Phải làm gì với nó đây? Giữ gìn cho cái chết hiện diện bên cạnh mình làm nảy sinh ra cả một nghệ thuật sống. Tôi nhớ tới truyền thống của thổ dân Mỹ châu có con chim đậu trên vai trái - hầu như là vô hình - mỗi sáng nhắc lại cho cho người mà nó thăm viếng: ”Nếu ngày chết là hôm nay thì sao?”. Các tín hữu Phật giáo thì tưởng tượng mình ngồi trước một tấm gương, và trông thấy toàn cuộc đời mình diễn ra trong đó.

Điều kiện thứ hai để cho cái chết không là một sự mất mát, đó là ra khỏi thái độ từ chối cái chết và âm thầm nổi loạn. Để được như thế phải có can đảm đương đầu với thế giới y khoa. Đặt các câu hỏi tốt, liên quan tới việc chẩn đoán cuối cùng, và diễn tiến của những giây phút cuối cùng trong đời. Có hàng trăm trường hợp chết rất êm dịu, trái ngược với những hình ảnh kinh hoàng mà giới truyền thông giới thiệu. Cũng có các trường hợp như thế, nhưng mà hiếm. Chính các giới truyền thông có trách nhiệm đối với trào lưu trợ tử hiện nay được coi như là quyết định tránh đau đớn. Nhưng họ không biết âm hưởng sâu rộng của hành động xin trợ tử đó. Không ai giết người mà không bị trừng phạt. Mỗi người có trách nhiệm đối với cuộc sống của mình cho tới giây phút cuối cùng. Trong giây phút cuối đời đó tình liên đới xã hội rất quan trọng và định đoạt. Người sắp chết cảm thấy mình rất cô đơn và bị bỏ rơi. Nếu những người chung quanh mà cũng chạy trốn cái chết nữa, thì họ chẳng còn cậy trông vào ai được.

Nghệ thuật chết giả thiết một cuộc sống xã hội phong phú. Dĩ nhiên, cần phải có nhiều tế nhị và dịu hiền trong việc tháp tùng một người đang hấp hối, qua các cử chỉ và lời nói. Cần phải biết lắng nghe tâm lòng mình để biết phải có các cử điệu và lời nói nào khi đứng bên cạnh người sắp chết. Thời gian còn lại là của người sắp từ giã cõi đời này. Bình thường các bác sĩ rất mơ hồ đối với thời điểm này. Chúng ta cũng biết là có nhiều người bệnh tiếp tục sống vì họ chờ những người thân, hay các biến cố quan trọng thân thiết trong gia đình như đám cưới của một đứa con đứa cháu vv... Nhưng sự mơ hồ liên quan tới thời gian đó là một dấu chỉ: sự tháp tùng phải dựa trên lòng tin tưởng và khả năng của người khác.

Đặc biệt trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, lòng tin và các nghi thức tôn giáo trợ giúp con người chết một cách rất tốt đẹp. Trong Giáo Hội Công Giáo bí tích xức dầu bệnh nhân là nghi thức chính tháp tùng người bệnh. Nó cho biết cái chết có thể tới hay đang cận kề, nhưng cũng trao ban niềm hy vọng và ủi an. Đây là tình trạng mâu thuẫn của người bệnh: họ biết làhọ sắp chết, nhưng vẫn không tin thật như thế. Nhưng rất tiếc là nhiều gia đình công giáo cũng không xin các Linh Mục ban bí tích xức dầu cho người bệnh, vì cho rằng nó khiến cho người bệnh sợ hãi. Thật ra không phải như vây. Trái lại nó ủi an và trao ban hy vọng cho người sáp từ giã cõi đời. Khi được sống một cách ý thức, thời điểm cuộc đời kết thúc có thể là thời điểm trao đổi rất phong phú. Người ra đi nhìn lại tất cả mọi biến cố trong cuộc đời mình, sống lại những lúc tươi vui, nghe những người chung quanh nói lên tất cả những điều tốt lành nhận được từ họ. Những người còn lại tập nghệ thuật sống và chấp nhận tang chế một cách dễ dàng hơn. Trong cuốn sách ”Chết mở mắt”, bà Marie de Hennezel có trưng dẫn sự kiện một bà vợ săn sóc chồng cho tới giây phút cuối cùng và ôm ông ta trong vòng tay khi ông tắt thở. Và trong vòng ba ngày bà vẫn nằm ngủ trong giường nơi chồng an giấc. Sự kiện này nói lên cái dịu dàng của tang chế, không giận dữ, không cảm thấy bị tước đoạt. Tiếng nói nội tâm ghi dấu sự hiện diện của người đã chết. Tháp tùng người hấp hối giúp chúng ta chấp nhận sự chia ly một cách dễ dàng hơn.

Kết qủa một cuộc thăm do cho thấy nhiều người săn sóc các bệnh nhân sợ hãi tháp tùng người hấp hối, nhưng đó là con đường khiến cho họ trưởng thành hơn trong cuộc sống. Các giới chức công cộng ý thức được giá trị của thái dộ này và tìm cách phát huy chiều hướng đó. Người ta bắt đầu tổ chức các khóa đào tạo cách thức báo cho bệnh nhân biết kết qủa chẩn bệnh của một căn bệnh nặng, và huấn luyện kiểu tháp tùng các người ở giai đoạn cuối đời. Những người qúa năng động thường là những người dễ bị âu lo và xuống tinh thần nhất, khi biết mình bị bệnh nặng. Do đó, họ cần được trấn an và trợ giúp nhiều hơn những người biết chấp nhận thực tại, có khuynh hướng chiêm niệm, thinh lặng và trầm tĩnh. Có cái gì đó trợ giúp họ đối phó với tật bệnh nặng một cách hữu hiệu hơn. Những người muốn làm việc từ thiện trong lãnh vực trợ giúp các bệnh nhân cuối đời trước hết phải có ước muốn thật sự. Kinh nghiệm trong lãnh vực này dậy chúng ta rất nhiều điều hay đẹp, nhưng cần phải biết khiêm tốn. Vì mọi chuyện không xảy ra như chúng ta có thể dự liệu. Điều chính yếu là biết hiện diện cho người khác và cho biến cố xảy ra, biết chấp nhận các giới hạn của mình. Phải tin nơi mầu nhiệm của sự hiện diện và thông truyền trong thinh lặng, mà không làm gì cả. Cái không làm đó chất chứa một sức mạnh. Có lẽ phái nữ tự nhiên và thích hợp hơn với nhiệm vụ này. Họ ít âu lo hơn, họ có sự hiểu biết đặc biệt, và kinh nghiệm của sự vượt qua, có lẽ gắn liền với chức làm mẹ. Tuy nhiên trong phía nam giới cũng có nhiều người có các đức tính rất lớn.

Sau cùng theo bác sĩ Marie de Hennezel cũng nên khuyến khích các gia đình đừng loại trừ trẻ em khỏi những gìơ sau hết của người thân. Trẻ em cảm thấy lo âu buồn phiền. Dẹp các em ra một bên, là để các em cô đơn một mình, đó là điều tệ hại nhất. Đó là lúc nên dẫn các em tới trước người chết, ôm các em trong tay và dịu dàng nói với các em về người chết với các lời phát xuất từ con tim và cho các em tham dự vào một cử chỉ dịu hiền trước xác chết hay trong tang lễ. Nhưng phải để cho các em tự do quyết định, có muốn hiện diện trong những lúc cảm động nhất hay không, chẳng hạn như khi liệm xác. Nhiều người lớn ngần ngại nói về cái chết với các trẻ em, vì xưa kia khi còn bé họ đã không được sống kinh nghiệm như thế. Cần phải biết có những lời nói và cử chỉ giúp các em đối diện với sự mất mát người mà các em cũng thương mến.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.