2006-02-07 15:29:15

BÀ ELISABETH BEHR-SIGEL, THẦN HỌC GIA CHÍNH THỐNG.


Đêm 25 rạng ngày 26-11-2005 cụ bà Elisabeth Behr-Sigel đã êm ái trút hơi thở cuối cùng tại tư thất ở Epinay-sur-Seine, nơi thủ đô Paris, hưởng thọ 98 tuổi. Cụ bà là tín hữu và là thần học gia nổi tiếng của Chính Thống Giáo, người Pháp gốc Tchèque. Cụ sống gần trọn thế kỷ 20 và đã chứng kiến đủ loại thảm cảnh xã hội cũng như chiến tranh. Nhưng điều đáng chú ý trong cuộc đời cụ bà chính là các hoạt động đại kết, thần học chính thống và cổ động cho chỗ đứng của phụ nữ giữa lòng Giáo Hội.

Trong một thời gian dài, bà Elisabeth Behr-Sigel (1907-2005) giữ chức vụ giáo sư nơi 2 Học Viện Saint-Serge và Công Giáo ở Paris. Bà cũng là phó Chủ Tịch chính thống của Hội các tín hữu Kitô tranh đấu cho việc bãi bỏ Tra Tấn. Bà đã viết nhiều tác phẩm thần học chuyên nghiên cứu về nền tu đức chính thống và về chức vụ của nữ giới trong Giáo Hội. Bà từng tích cực tham gia các buổi học hỏi của Ủy Ban Đại Kết các Giáo Hội Kitô liên quan đến vai trò của nữ giới và nam giới trong Giáo Hội, vào các năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80. Nữ thần học gia chính thống Elisabeth Behr-Sigel còn là một trong những cột trụ của phong trào đại kết Kitô. Chính bà tự giới thiệu về nguồn gốc pha trộn nhiều quốc tịch, văn hóa và tôn giáo khác nhau trong đại gia đình bà như sau.

Nguồn gốc gia đình tôi trải dài từ bờ Đại-Tây-Dương đến rặng Oural tận bên Sô-Viết. Thân phụ tôi người vùng Alsace nơi giao lưu giữa hai nền văn hóa và ngôn ngữ Pháp-Đức. Ông nội tôi là sĩ quan Pháp bị quân Đức bắt làm tù binh trong thời chiến tranh năm 1870. Nhưng sau đó ông nội lại kết hôn với một phụ nữ Đức! Chưa hết. Đến phiên thân phụ tôi, người kết hôn với một thiếu nữ Tchèque theo Do Thái giáo. Phần tôi, khi sinh ra, tôi được rửa tội theo truyền thống Tin Lành Luther. Ngay từ năm lên 7 tuổi tôi đã học đọc và đọc Phúc Âm nơi trường học. Điều này mang tầm mức quan trọng trong cuộc đời tôi sau này, bởi lẽ nơi gia đình, tôi không hề được nghe nói hay dạy dỗ gì về tôn giáo.

Vào tuổi dậy-thì 14-15, tôi chịu ảnh hưởng mạnh bởi Liên Hiệp toàn cầu các Tổ Chức Kitô dành cho giới sinh viên. Tôi tích cực tham gia vào các sinh hoạt của Hội vì bị thu hút bởi chiều kích đại đồng và đại kết. Tôi rất thích môn thần học nhưng ước nguyện này không thể thực hiện được, xét vì bối cảnh học đường và xã hội vào lúc ấy, tức khoảng năm 1925. Vì thế tôi đành chọn môn triết học. Một thời gian ngắn sau đó, phân khoa thần học của đại học Strasbourg mở cửa cho nữ giới. Đó là đại học đầu tiên tiếp nhận phụ nữ, có lẽ vì do cơ chế của một đại học quốc gia và vì Strasbourg nằm gần biên giới Đức quốc.

Thế là, sau khi học xong 3 năm triết, tôi ghi danh theo học môn thần học Tin Lành ở đại học Strasbourg. Bầu khí đại học thật tự do, cởi mở và thích thú. Tôi có nhiều bạn học là người Nga và người Rumani. Thế nhưng tôi không lấy làm thỏa mãn với phương pháp giảng dạy thần học nơi đây, một phương pháp quá tầm thường. Tôi đành tìm kiếm một cái gì hay hơn, khác lạ hơn.

Các bạn học người Nga khuyên tôi học tiếng Nga. Tôi nghe lời nên bắt đầu học tiếng Nga rồi đọc các tác phẩm thần học bằng tiếng Nga của Chính Thống Giáo. Từ đó tôi làm quen và đi vào thế giới của Chính Thống Giáo. Mãi cho đến năm 1929 tôi làm một bước nhảy vọt. Tôi dời về sống tại Paris. Nơi đây tôi quen biết một linh mục Chính Thống. Ngài đến để mở một giáo xứ Chính Thống dành cho các tín hữu chính thống Nga di dân, đang sinh sống tại Pháp. Tôi giã từ Tin Lành Luther và gia nhập Chính Thống Giáo.

Việc tôi từ bỏ Tin Lành Luther khiến thân phụ tôi rất buồn lòng. Nhưng biết làm sao hơn, mặc dầu tôi rất quý trọng các ưu điểm của Giáo Hội Tin Lành Luther. Chẳng hạn như sự kính trọng tự do lương tâm cá nhân. Tuy nhiên, tôi quyết định vun trồng gốc rễ trong một giáo hội có truyền thống phong phú như Giáo Hội Chính Thống.

Kinh nghiệm đại kết của tôi bắt đầu trong thời thế chiến thứ hai, thời mà nước Pháp bị quân đức-quốc-xã chiếm đóng. Chúng tôi họp thành một nhóm nhóm nhỏ đại kết gồm Công Giáo, Do Thái, Chính Thống và Tin Lành. Chúng tôi dấn thân hoạt động kháng chiến trong an bình. Nghĩa là, chúng tôi không đặt bom chống quân Đức, nhưng chúng tôi từ chối cộng tác với quân Đức và chúng tôi cố gắng giúp đỡ lẫn nhau. Đây là một loại đại kết tuyệt vời như chưa từng bao giờ được thực hiện cũng như không bao giờ còn trông thấy nữa! Chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau, chúng tôi tìm cách bao che nhau và chúng tôi biết rõ nhau! Ngày nay thì tinh thần đại kết mang một hình thức khác!

(”Oecuménisme - Informations”, Janvier 2006, trang 11-13).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.