2006-02-01 15:16:37

Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 1-2-2006


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI kêu gọi mọi người cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình kiến tạo hòa hợp và hòa bình cho nhân loại.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến chung hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 1-2-2006 vừa qua.

Trong bài huấn dụ giải thích ý nghĩa thánh vịnh 144 cử hành vương quyền của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha nói thánh vịnh 144 là lời chúc tụng tươi vui ca ngợi Thiên Chúa như ”vì vua” đầy yêu thương và hiền dịu, lo lắng săn sóc mọi thụ tạo của Ngài. Phần đầu của thánh vịnh gọi Thiên Chúa là ”vua” (c. 1), cũng là hình ảnh nổi bật của các thánh vịnh khác như thánh vịnh 46; 92; và 95 tới 98. Thánh vịnh lập lại 4 lần từ ”malkut” vương quốc của Thiên Chúa, như ám chỉ 4 hướng của cuộc sống và của lịch sử con người (cc. 11-13).

Biểu tượng vương quyền này sẽ là trọng tâm lời rao giảng của Chúa Kitô. Nó diễn tả chương trình cứu độ của Thiên Chúa: Thiên Chúa không thờ ơ đối với lịch sử nhân loại, trái lại Ngài ước muốn hiện thực chương trình hòa hợp và hòa bình cho mọi loài thụ tạo. Toàn thể nhân loại được triệu mời chấp nhận ý muốn cứu độ đó của Thiên Chúa, một ý muốn trải dài ra trên tất cả mọi người, mọi thế hệ và vĩnh cửu. Đó là một hành động đại đồng bứng nhổ sự dữ khỏi thế giới để thiết lập vinh quang của Chúa, hay sự hiện diện bản vị hữu hiệu và siêu việt của Ngài.
Vào giữa thánh vịnh lời cầu chúc tụng của tác giả trở thành tiếng nói của mọi tín hữu. Thật ra, lời cầu cao đẹp nhất trong Kinh Thánh là lời cầu cử hành các công trình cứu độ vén mở cho thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi loài thụ tạo. Tác giả thánh vịnh chúc tụng ”danh” Chúa, nghĩa là chính Thiên Chúa (cc.1-2), được tỏ lộ trong hoạt động lịch sử. Tác giả nói tới các ”công trình”, ”các việc kỳ diệu”, các ”kỳ công”, ”quyền năng”, ”sự cao cả”, ”công lý” ”sự nhẫn nhục”, ”lòng từ bi”, ”ơn thánh” ”lòng lành”, và sự ”dịu hiền” của Thiên Chúa.

Đây là một kinh cầu công bố biến cố Thiên Chúa bước vào trong cuộc sống của con người, để đưa tất cả thực tại của loài thu tạo lên tới ơn cứu độ tràn đầy. Chúng ta không là mồi của các sức lực đen tối, cũng không cô đơn với sự tự do của chúng ta, nhưng chúng ta được phó thác cho hoạt động, quyền năng và tình yêu thương của Thiên Chúa, là Đấng có một dự án, một ”vương quốc” cần được thiết lập cho chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha giải thích ”vương quốc” của Thiên Chúa như sau: ”Vương quốc này không được xây dựng bằng quyền bính và thống trị, chiến thắng và đàn áp, như thường xảy ra với các vương quốc trần gian, nhưng nó là ngai tòa biểu lộ lòng từ bi, dịu hiền, lòng lành, ơn thánh và công lý, như được nhấn mạnh nhiều lần trong các câu chúc tụng của thánh vịnh. Câu 8 tóm tắt chân dung của Thiên Chúa như sau: ”Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giầu tình thương”. Những lời này nhắc nhớ tới lời mà chính Thiên Chúa đã tự giới thiệu vớ dân Israel tại núi Sinai: ”Giavê, Giavê, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận hờn và giầu nhân nghĩa tín thành” (Xh 34,6). Ở đây chúng ta nhận ra việc chuẩn bị cho lời của thánh Gioan tuyên xưng Thiên Chúa là tình yêu (x. 1 Ga 4,8.16).

Câu 9 của thánh vịnh cũng rất hay đẹp và đáng chú ý: ”Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên”. Trong ”diễn văn thứ hai về ăn chay”, thánh Pietro Crisologo (sống giữa các năm 380-450) giải thích câu này như sau: ”Các công trình của Chúa thật lớn lao”: nhưng sự lớn lao đó bị thắng vượt bởi sự cao cả của lòng từ bi Chúa. Thật thế, như ngôn sứ đã nói: ”Cao cả thay các công trình của Chúa”, trong một đoạn khác có viết thêm: ”Lòng từ bi Chúa cao cả hơn tất cả mọi công trình của Ngài”. Hỡi anh chị em, lòng từ bi Chúa tràn ngập bầu trời, tràn ngập trái đất... Chính vì thế mà lòng từ bi của Chúa Kitô to lớn, quảng đại và duy nhất. Ngài dành mọi phán xử của Ngài cho một ngày thôi, Ngài để cho con người có tất cả thời gian để sám hối... Chính vì thế vị ngôn sứ không tin tưởng nơi sự công chính của mình, nhưng vội vàng hướng tới lòng từ bi Chúa và kêu lên: ”Xin thương xót con, lậy Chúa, vì lòng từ bi cao cả của Ngài!” (Tv 50,3: (42,4-5: Sermoni 1-62bis, Scrittori dell' Area Santambrosiana, I, Milano Roma 1996, pp. 299-301).

Chào các anh chi em Ba Lan hiện diện, Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết ngày mùng 2 tháng 2 là Ngày cầu cho ơn gọi thánh hiến. Ngài mời gọi mọi người cảm tạ Chúa về các ơn gọi tu sĩ và xin Chúa ban ơn trợ giúp các anh chị em đã lựa chọn sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời như con đường nên thánh.

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.